Vào lúc 8h43 sáng nay (ngày 24/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 0,5% lên 66,76 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 0,6% lên 63,93 USD/thùng. Giá dầu thô tăng nhẹ trở lại khi một cơn bão xuất hiện trên khu vực Vịnh Mexico, đe doạ nhiều gian khoan dầu thô của Hoa Kỳ tại đây có thể phải ngưng hoạt động.
Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô quốc tế đã giảm khoảng 4% xuống quanh mốc 66,44 USD/thùng khi thị trường lo ngại Iran có thể gia tăng đáng kể lượng dầu thô xuất khẩu trong thời gian tới khi nước này đạt được những bước tiến đáng kể trong quá trình đàm phán thoả thuận hạt nhân với Hoa Kỳ. Tổng thống Iran Hassan Roihani đã phát biểu cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhắm vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng và vận tải biển của Iran.
Các chuyên gia phân tích tại tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) cũng cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Iran đang bắt đầu tăng lên trong những tháng gần đây. Điều này có thể cho thấy Iran dự báo các lệnh cấm vận nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ nước này có thể sắp được gỡ bỏ, theo ANZ.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Nghị viện Iran vừa cho biết thoả thuận giám sát hạt nhân kéo dài 3 tháng giữa Iran với Liên Hiệp Quốc hết hạn. Điều này làm dấy lên các đồn đoán rằng Iran sẽ khó có thể sớm đạt được thoả thuận hạt nhân mới với Hoa Kỳ để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận. Thông tin này đã góp phần nâng đỡ giá dầu thô quốc tế trong phiên giao dịch sáng nay.
Trong tuần trước, một số quan chức ngoại giao Châu Âu đã cảnh báo việc Iran không đạt được thoả thuận kéo dài việc giám sát hoạt động phát triển hạt nhân với Liên Hiệp Quốc có thể khiến các cuộc đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân giữa Iran và Hoa Kỳ lâm vào khủng hoảng. Hoa Kỳ và Iran dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán tại Áo trong tuần này.
Bên cạnh đó, thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến đợt tái bùng phát dịch Covid-19 mới tại nhiều quốc gia Châu Á với sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 từ Ấn Độ. Một số nhà phân tích lo ngại đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu của khu vực Châu Á sẽ chậm lại trong thời gian tới vì đợt bùng phát dịch mới.