Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 13/11), giá dầu thô Brent đã giảm 75 cents tương ứng 1,7% xuống mức 42,78 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 99 cetns tương ứng 2,4% xuống còn 40,13 USD/thùng. Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 8% khi thị trường phản ánh tích cực với các thông tin về vaccine Covid-19, kỳ vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được khống chế, qua đó thúc đẩy nhu cầu về sử dụng dầu thô.
Tuy nhiên, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm sau khi các thông tin mới nhất cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Libya đã tăng đáng kể từ mức 1 triệu thùng/ngày vào ngày 7/10 lên 1,2 triệu thùng/ngày vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, các hãng năng lượng tại Hoa Kỳ cũng đang đẩy mạnh khai thác trở lại khi giá dầu thô có dấu hiệu phục hồi. Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Hoa Kỳ) cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động tại Hoa Kỳ đã tăng thêm 10 giàn khoan lên mức 236 giàn khoan, chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn trữ tại nước này đã tăng thêm 4,3 triệu thùng trong tuần trước. Con số này trái ngược với dự báo giảm 913.000 thùng của giới phân tích. Nguồn cung dầu thô tăng cao trong khi đó nhu cầu sử dụng dầu thô chưa thực sự phục hồi vững chắc đã gây áp lực giảm lên giá dầu thô.
Giám đốc khối nghiên cứu thị trường hàng hoá Harry Tchilinguirian của tập đoàn tài chính BNP Paribas nhận định “Về bản chất, các tin tức tích cực về vaccine Covid-19 của hãng Pfizer đã “nguội dần”, bên cạnh đó, thông tin tiêu cực từ EIA đã khiến giá dầu thô trên thị trường điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, liên minh OPEC+ đang có kế hoạch hoãn gia tăng sản lượng khai thác và thị trường cũng đang chờ đợi kết quả thử nghiệm của các loại vaccine Covid-19 khác.”
Trong khi đó, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Hoa Kỳ và một số khu vực trên thế giới đã chạm ngưỡng cao kỷ lục. Giới quan sát lo ngại việc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại các khu vực này có thể khiến đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô ngày càng chậm lại hơn. Tính đến ngày 13/11, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mức 53 triệu ca và ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục hơn 643.000 ca nhiễm chỉ trong vòng 24 giờ.
Trong ngày 12/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu khó có thể tăng mạnh trở lại trừ khi vaccine Covid-19 được phân phối rộng rãi trong năm 2021. Giới phân tích nhận định sự gia tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây có thể khiến liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh như Nga phải xem xét lại kế hoạch nâng sản lượng khai thác trong tháng 1/2021. Phiên họp cấp Bộ trưởng của liên minh OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 1/12 tới đây.