Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 3/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 giảm 0,58% xuống mức 72,61 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 1% xuống còn 69,29 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent giảm 0,5%; trong khi đó, giá dầu thô WTI tăng 0,80%.
Nhận định về diễn biến phiên giao dịch ngày 3/9, ông John Kilduff, quản lý cấp cao tại hãng tư vấn đầu tư Again Capital (Hoa Kỳ), cho biết giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết chỉ có 235.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 8 vừa qua. Đây là mức thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mức dự báo của giới phân tích, nguyên nhân trực tiếp do sự lây lan mạnh của biến chủng Covid-19 Delta. Điều này cho thấy, đại dịch Covid-19 vẫn sẽ gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, ông John Kilduff cho biết.
Trong khi đó, giá dầu thô WTI đang được hỗ trợ bởi việc gián đoạn nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico. Nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico đã giảm khoảng 1,7 triệu thùng/ngày tương đương 93% tổng nguồn cung dầu thô toàn khu vực do các giàn khoan ngoài khơi phải ngưng hoạt động kể từ cuối tuần trước khi siêu bão Ida đổ bộ. Nhiều nhà máy lọc hoá dầu tại tiểu bang Louisiana (Hoa Kỳ) cũng đang phải ngưng hoạt động dưới các tác động của siêu bão Ida.
Giới phân tích nhận định hoạt động khai thác dầu thô tại khu vực Vịnh Mexico sẽ được khôi phục trong tuần tới nhưng các nhà máy lọc hoá dầu tại tiểu bang Louisiana sẽ phải mất nhiều thời gian hơn mới có thể hoạt động trở lại. Tiểu bang Louisiana là một trong những trung tâm lọc hoá dầu lớn nhất Hoa Kỳ.
Một số chuyên gia nhận định giá dầu thô có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới sau khi liên minh OPEC+ kiên định trong kế hoạch chỉ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong những tháng tới đây bất chấp các sức ép của Hoa Kỳ yêu cầu tăng thêm nguồn cung dầu thô.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu thô toàn cầu. Tổ chức này nhận định thị trường dầu thô toàn cầu sẽ thiếu hụt nguồn cung khoảng 0,9 triệu thùng/ngày trong những tháng cuối năm nay trước khi chuyển sang tình trạng dư cung trong năm 2022.