Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 26/6), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 3 cents xuống mức 40,91 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 23 cents xuống mức 38,49 USD/thùng.
Tuần giao dịch vừa qua (22 – 26/6), giá dầu thô đã có sự biến động mạnh trước nhiều tin tức tích cực và tiêu cực đan xen về tình hình phục hồi kinh tế và diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Tính chung cả tuần giao dịch, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã lần lượt giảm 1% và 1,6%. Trong các phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô đã được hỗ trợ nhờ các dữ liệu cho thấy hoạt động giao thông tại một số thành phố lớn trên thế giới đã quay trở lại mức trong năm 2019; qua đó, nâng cao triển vọng về đà phục hồi nhu cẩu sử dụng nhiên liệu và dầu thô.
Bên cạnh đó, dữ liệu của hãng dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên hoạt động tại Hoa Kỳ và Canada trong tuần này tiếp tục ở mức thấp kỷ lục. Điều này phản ánh nguồn cung dầu thô tại Hoa Kỳ đã sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, giá dầu thô quốc tế, đặc biệt là giá dầu thô WTI, sau đó đã chịu áp lực giảm xuống khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh trên toàn cầu, khiến thị trường lo ngại nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai. Trên thị trường giao dịch dầu thô WTI, giới đầu tư lo ngại sự gia tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19 mới tại các tiểu bang sử dụng nhiều nhiên liệu như California, Texas và Florida (3 bang đông dân nhất tại Hoa Kỳ) có thể tác động nghiêm trọng đến sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu mỏ.
Trong sáng ngày 26/6, Thống đốc tiểu bang Texas đã phải thay đổi quyết định tái mở cửa nền kinh tế bang này với việc yêu cầu hầu hết các quán bar phải đóng cửa trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới tại đây tăngg cao.
Sự bùng phát dịch bệnh tại Hoa Kỳ có thể khiến các nhà máy lọc dầu tại Hoa Kỳ tiếp tục cắt giảm sản lượng do lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống. Dữ liệu của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy các nhà máy lọc dầu tại nước này chỉ đang hoạt động ở mức gần 75% công suất.
Ông Andrew Lipow, chủ tịch hãng tư vấn dầu mỏ Lipow Oil Associates (Hoa Kỳ), nhận định “Các doanh nghiệp đang trì hoãn việc cho phép nhân viên quay trở lại làm việc và điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến nhu cầu sử dụng xăng”.
Bên cạnh đó, các dự báo ảm đạm về tình hình kinh tế thế giới cũng khiến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô giảm xuống, gia tăng áp lực giảm lên giá dầu thô. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 xuống mức -4,9%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo -3% được đưa ra hồi tháng 4/2020. IMF cũng cho biết các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra đến nền kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 ở mức nghiêm trọng hơn và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra chậm hơn so với những dự báo ban đầu.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters cũng nhận định đợt suy thoái kinh tế lần này sẽ nghiêm trọng hơn và triển vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ xấu hơn những gì được dự báo trước đây.