Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/5 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng nhẹ thêm 0,2% lên mức 69,63 USD/thùng – mức giá chốt phiên cao nhất kể từ tháng 5/2019. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai lại giảm 0,8% xuống mức 66,32 USD/thùng.
Tính chung cả tuần giao dịch này, giá dầu thô quốc tế đã tăng hơn 5%, chủ yếu nhờ các thông tin tích cực về nền kinh tế Hoa Kỳ và dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đủ sức hấp thụ cả lượng dầu thô tăng thêm từ Iran.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang tiếp tục phục hồi tốt khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu.
Đồng thời, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khẳng định tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong quý 1 vừa qua ở mức 6,4% - mức tăng trưởng tốt nhất trong quý 1 kể từ năm 1984. Các dữ liệu cũng cho thấy doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tăng cường mua sắm máy móc, chỉ báo cho việc mở rộng hoạt động sản xuất trong thời gian tới.
Các chuyên gia phân tích dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ bật tăng mạnh lên gần ngưỡng 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 năm nay nhờ nhu cầu du lịch và di chuyển mùa hè tại khu vực Châu Âu và Hoa Kỳ bùng nổ.
Bên cạnh đó, việc các quốc gia khác đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cũng mở ra triển vọng tái mở cửa các nền kinh tế sớm hơn. Tập đoàn tài chính ANZ (Australia) đã cho biết nhu cầu sử dụng xăng dầu tại nhiều nơi trên thế giới hiện đã vượt ngưỡng cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn đang bị kìm hãm bởi lo ngại việc dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều quốc gia Châu Á có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu. Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy tổng số ca nhiễm Covid-19 tính đến cuối tuần này tại khu vực Nam Á đã vượt ngưỡng 30 triệu ca, chủ yếu tại Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.
Trong tuần trước, giá dầu thô đã giảm tới 4% do thị trường lo ngại Iran có thể tăng đáng kể lượng dầu thô xuất khẩu nếu như nước này và Hoa Kỳ đạt thoả thuận hạt nhân mới, giúp gỡ bỏ các lệnh phong toả nhắm vào ngành dầu khí của Iran.
Giới phân tích dự báo liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu có thể sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch nâng dần sản lượng khai thác dầu thô bất chấp khả năng Iran tăng cường xuất khẩu dầu. Liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1/6 tới đây để đưa ra quyết định khai thác dầu thời gian tới.