Trong phiên giao dịch sáng ngày 29/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) được giao dịch tại mức 59,56 USD/thùng, tăng 26 cents tương ứng 0,4% so với mức chốt phiên giao dịch ngày 28/3. Giá dầu thô WTI đang hướng đến tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp và xác lập mức tăng đến 31% trong quý I/2019. Bên cạnh đó, giá dầu thô Brent cũng đã tăng lên mức 68,12 USD/thùng, tăng 30 cents tương ứng 0,4% sp với mức chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Tính chung tuần này, giá dầu thô Brent có thể tăng 1,7%. Tính chung quý I/2019, giá dầu thô Brent đã tăng 27%.
Dữ liệu thông kê cho thấy giá dầu thô WTI lẫn dầu thô Brent trong quý I/2019 đã có mức tăng giá theo quý cao nhất kể từ hồi quý II/2009. Trong quý II/2009, giá dầu thô đã tăng 40%.
Việc giá dầu thô tăng cao trong thời điểm hiện tại trái ngược hoàn toàn với mức giảm lên tới 38% trong quý IV/2018. Giá dầu thô hiện tăng cao chủ yếu do động thái cắt giảm sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia khai thác dầu mỏ lớn khác ngoài khối OPEC như Nga. Tổng lượng cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia này lên đến 1,2 triệu thùng/ngày.
Trước bối cảnh giá dầu thô tăng cao, trong ngày 28/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã kêu gọi OPEC ngưng việc cắt giảm và gia tăng sản lượng khai thác trở lại nhằm kiềm chế đà tăng giá dầu. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2019, ông Donald Trump chỉ trích việc cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC. Giá các mặt hàng xăng dầu tại Hoa Kỳ hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây dưới tác động của việc giá dầu thô tăng cao.
Tổ chức OPEC vẫn chưa cho thấy có bất kỳ động thái nào sẽ ngừng việc cắt giảm sản lượng khai thác trước những áp lực của ông Donald Trump. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược lại với tình trạng năm ngoái, khi mà OPEC đã tăng sản lượng khai thác nhằm đáp ứng các yêu của ông Donald Trump. Lần tăng sản lượng năm ngoái đã đẩy thị trường vào trạng thái dư cung và khiến giá dầu thô giảm mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của nhiều nước khai thác dầu thô lớn.
Chính phủ Hoa Kỳ hiện theo đuổi chính sách duy trì giá năng lượng ở mức thấp kể từ khi hoạt động khai thác dầu đá phiến bùng nổ tại nước này. Việc đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến đã đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới với sản lượng khai thác vượt ngưỡng 12 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ đang có các dấu hiệu chậm lại. Số lượng các giàn khoan đang hoạt động tại Hoa Kỳ đã giảm tuần thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018.
Theo nhận định của ông Derek Brower, giám đốc RS Energy Group nhận định, các động thái của Ả-rập Xê-út (nước khai thác dầu chủ chốt trong nhóm OPEC) có thể cho thấy nước này sẽ không ngay lập tức ngưng việc cắt giảm sản lượng khai thác ngay trong năm nay. Vào đầu tháng 3/2019, OPEC và một số quốc gia khai thác dầu thô khác đã tái khẳng định cam kết duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác; tuy nhiên, các quốc gia này cũng cho biết sẽ nhóm họp vào tháng 6/2019 để quyết định có nên kéo dài việc cắt giảm sản lượng hay không.