Lúc 9h24 sáng nay (ngày 22/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2020 đã tăng 26 cents tương ứng 0,7% lên 39,57 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giao tháng 11/2020 tăng 15 cents tương ứng 0,4% lên 39,69 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 10/2020 sẽ hết hạn trong ngày 22/9 (theo giờ Hoa Kỳ). Giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 13 cents tương ứng 0,3% lên 41,57 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng trở lại trong bối cảnh các nhà máy lọc hoá dầu tại bang Texas tiếp tục duy trì hoạt động khi các dự báo cho thấy cơn bão Beta – cơn bão mới nhất xuất hiện trên khu vực vịnh Mexico của Hoa Kỳ dần giảm sức mạnh. Trước đó, thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ giảm xuống khi nhiều nhà máy lọc hoá dầu tại vùng duyên hải vịnh Mexico của Hoa Kỳ sẽ phải đóng cửa khi bão đổ bộ vào khu vực này. Trong tuần trước, nhiều giàn khoan dầu thô trên khu vực vịnh Mexico đã phải đóng cửa 5 ngày liên tiếp khi cơn bão Sally xuất hiện trong khu vực.
Tuy nhiên, giá dầu thô hiện vẫn chịu áp lực giảm giá mạnh trong bối cảnh triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô ở mức thấp dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 21/9), giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 4% do thị trường lo ngại việc số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng trở lại tại nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu sẽ dẫn đến một đợt tái phỏng toả diện rộng, làm giảm mạnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Tại Anh, một số khu vực đã áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của đại dịch Covid-19. Giới chức y tế Hoa Kỳ cũng vừa lên tiếng cảnh báo một làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy ra trong mùa đông năm nay. Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm khi nguồn cung dầu thô từ Libya có thể gia tăng trở lại khi các cảng xuất dầu chính của nước này dần được đảm bảo an ninh trước các xung đột vũ trang.
Hiện thị trường dầu mỏ đang tập trung quan sát dữ liệu tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ do Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) công bố vào cuối ngày 22/9 (theo giờ Hoa Kỳ). Theo khảo sát của hãng tin Reuters, lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ có thể đã giảm xuống trong tuần trước nhưng mức tồn trữ các sản phẩm chưng cất từ dầu thô như diesel đã tăng lên. Điều này có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lốn nhất thế giới, có xu hướng giảm trở lại.