Giá dầu thô tiến sát trở lại ngưỡng 100 USD/thùng

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 12/4, giá dầu thô thế giới đã phục hồi tích cực trở lại và giá dầu thô Brent tiệm cận mức 100 USD/thùng. Thị trường tập trung đánh giá tác động đợt phong toả phòng chống dịch Covid-19 mới của Trung Quốc đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oilprice.com)

Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 đã tăng 1,12% lên 99,58 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 cũng tăng 1,27% lên 95,52 USD/thùng.

Tính chung cả tuần giao dịch trước, giá dầu thô Brent đã giảm 1,5% và giá dầu thô WTI giảm 1%. Trong vài tuần gần đây, giá dầu thô thế giới liên tục biến động mạnh, xác lập giai đoạn diễn biến giá phức tạp nhất kể từ hồi tháng 6/2020 – thời điểm giá dầu thô có lúc giảm sâu xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng.  

Hiện thị trường tập trung quan sát diễn biến làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra tại Trung Quốc. Trung Quốc đã buộc phải phong toả hoàn toàn một số thành phố lớn, bao gồm cả Thượng Hải – thành phố đông dân nhất nước này với 26 triệu người.

Giới đầu tư lo ngại việc Trung Quốc tái phong toả nhiều thành phố lớn có thể khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, làm giảm nhu cầu sử dụng dầu mỏ trong thời gian tới; riêng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Thượng Hải đã chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Thị trường cũng quan sát diễn biến việc các quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ xả bán ra thị trường 60 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng tới đây. Trước đó, Hoa Kỳ cho biết sẽ xả bán ra thị trường lượng dầu thô cao kỷ lục, lên tới 1 triệu thùng/ngày, từ kho dự trữ dầu thô chiến lược quốc gia (SPR) trong vòng 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo việc can thiệp của Hoa Kỳ và các nước thành viên tổ chức IEA có thể giúp thị trường trở nên cân bằng hơn trong năm 2022 nhưng sẽ không giúp giải quyết triệt để nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung trong những năm tiếp theo, thậm chí gây ra những tác dụng ngược và khiến giá dầu thô tiếp tục neo ở mức cao do nguồn cung dầu từ các kho dự trữ quốc gia là có hạn.

Theo đánh giá của tập đoàn tài chính ANZ (Australia), việc xả bán lượng dầu thô kỷ lục ra thị trường sẽ khiến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng như các hãng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ trì hoãn việc đẩy nhanh tiến độ nâng sản lượng khai thác cho dù giá dầu thô được giữ tại mức 100 USD/thùng.

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cũng đặt ra bài toán việc giá dầu thô hạ nhiệt trọng năm 2022 sẽ kích thích nhu cầu sử dụng tăng lên nhưng sẽ kìm hãm sự mở rộng trong hoạt động khai thác dầu mỏ, đặc biệt là đối với dầu đá phiến – loại hình khai thác vốn có chi phí cao và cần giá dầu thô giữ ở mức đủ cao để đảm bảo sinh lời. Điều này có thể khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ cần phải tái bổ sung lượng lớn dầu thô cho kho dự trữ chiến lược sau 2 năm xả bán.

Tường Vy