Cụ thể, vào lúc 10h58 sáng nay, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 41 cents tương ứng 0,9% xuống còn 47,01 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng đã giảm 46 cents tương ứng 1% xuống còn 44,09 USD/thùng. Giá dầu thô chịu sức ép giảm sau khi Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) công bố lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng 4,1 triệu thùng, ngược lại với dự báo giảm 2,4 triệu thùng của giới phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng chịu sức ép từ việc liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga đã hoãn phiên thảo luận chính sách khai thác dầu thô trong năm 2021 cho đến thứ Năm tuần này. Liên minh OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng khai thác cao kỷ lục, đạt 7,7 triệu thùng/ngày nhằm tái cân bằng thị trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu suy giảm mạnh. Giới đầu tư hiện kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì mức cắt giảm sản lượng như trên trong quý 1/2021 khi đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết các quốc gia chủ chốt trong liên minh OPEC+ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về mức cắt giảm sản lượng khai thác cho thời gian tới. Theo Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), cho dù nước này ủng hộ việc kéo dài cắt giảm sản lượng khai thác nhưng sẽ rất khó để duy trì mức cắt giảm cao như thời gian vừa qua trong năm 2021.
Các nhà phân tích thuộc tập đoàn ANZ nhận định “Liên minh OPEC+ đang đối mặt với rủi ro cao trong việc không đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác”. Tập đoàn ANZ cũng cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều khu vực tại Châu Âu và Hoa Kỳ tái áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển, điều này sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu suy yếu. Thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ đối mặt với tình trạng dư cung từ 1,5 triệu đến 3 triệu thùng dầu/ngày trong nửa đầu năm 2021, theo dự báo của ANZ.
Trong khi đó, Nauy, quốc gia không thuộc liên minh OPEC+, sẽ nâng sản lượng khai thác trở lại sau ngày 31/12 tới đây, điều này có thể khiến tình trạng dư cung dầu thô trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Hồi tháng 6/2020, Nauy đã cắt giảm sản lượng khai thác nhằm góp phần ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô khi liên minh OPEC+ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục.