Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 22/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 bật tăng mạnh 0,93% lên 75,09 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 cũng tăng 0,38% lên 70,56 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 0,59% và giá dầu thô WTI tăng 0,49%. Giá dầu thô hiện đang được nâng đỡ bởi các dữ liệu của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước tiếp tục giảm thêm 6,1 triệu thùng. Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 2,4 triệu thùng theo khảo sát giới chuyên gia của hãng tin Reuters (Anh).
Bên cạnh đó, dữ liệu của API còn cho thấy lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ cũng giảm 432.000 thùng. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 22/9 (theo giờ địa phương).
Trước đó, dầu thô cũng như nhiều loại nguyên liệu thô khác trên thị trường hàng hoá chịu áp lực giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 20 và 21/9 khi giới đầu tư toàn cầu lo ngại khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, kéo theo đó là sự suy yếu nhu cầu sử dụng các loại hàng hoá, nguyên liệu thô của nước này. Với khoản nợ lên tới 300 tỷ USD, việc Evergrande mất khả năng thanh toán nợ có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu.
Giới đầu tư hiện lo ngại nếu Evergrande vỡ nợ có thể tạo ra sự cố như hồi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Hoa Kỳ) vỡ nợ, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng nỗi sợ hiện bị thổi phồng quá mức. Thị trường hiện kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ tập đoàn này xử lý các khoản nợ do Evergrande đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính nước này.
Trên thị trường dầu mỏ, giới phân tích dự báo nguồn cung dầu mỏ tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở mức thấp sau khi hãng khai thác năng lượng Royal Dutch Shell cho biết sẽ phải ngưng hoạt động một số cơ sở hạ tầng tại khu vực Vịnh Mexico cho đến đầu năm sau để sửa chữa các thiệt hại do siêu bão Ida gây ra hồi cuối tháng 8 vừa qua. Royal Dutch Shell là hãng khai thác dầu thô lớn nhất Vịnh Mexico của Hoa Kỳ. Siêu bão Ida là sự kiện khiến tổng sản lượng dầu thô toàn cầu lần đầu tiên giảm xuống trong vòng 5 tháng trở lại đây.
Giá dầu thô cũng đang được hỗ trợ bởi việc Hoa Kỳ chính thức cho phép du khách nước ngoài đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ nhập cảnh sau thời gian dài đóng cửa biên giới. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu máy bay tăng lên.
Bên cạnh đó, một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác dầu thô theo kế hoạch. Hãng tin Reuters cho biết mức sản lượng khai thác của Nigeria, Angola và Kazakhstan hiện đang thấp hơn mức kế hoạch được liên minh OPEC+ phân bổ. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh như Nga, kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Trước đó, liên minh OPEC+ dự báo thị trường sẽ thiếu hụt khoảng 0,9 triệu thùng dầu/ngày trong những tháng cuối năm nay và sẽ rơi vào tình trạng dư cung 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2022.