Chốt phiên giao dịch ngày 29/5, giá dầu thô Brent giao tháng 7/2020 đã tăng 55 cents tương ứng 1,6% lên mức35,29 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 90 cents tương ứng 2,7% lên mức 33,71 USD/thùng. Mức chênh lệch giữa giá dầu thô Brent và dầu thô WTI cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4/2020.
Đà tăng của giá dầu thô trong ngày hôm qua chủ yếu nhờ thông tin cho thấy các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ đang tăng tốc hoạt động trở lại. Dữ liệu mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy, trong tuần trước, lượng xăng tồn trữ tại Hoa Kỳ đã bất ngờ giảm xuống, đồng thời, lượng dầu thô tồn trữ tại cảng dầu Cushing, Oklahoma cũng đã giảm 3,4 triệu thùng.
Cảng dầu Cushing là một trong những trung tâm chứa dầu thô lớn nhất Hoa Kỳ và là điểm phân phối dầu cho các hợp đồng giao dịch dầu thô WTI. Sự sụt giảm này có thể cho thấy nhu cầu sử dụng xăng dầu tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt đầu phục hồi trở lại khi các tiểu bang nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tái mở cửa nền kinh tế.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn bị kìm hãm khi dữ liệu của EIA cũng cho thấy tổng thể chung lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng thêm 7,9 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự báo của giới chuyên gia. Nguyên nhân chủ yếu do gia tăng lượng dầu thô nhập khẩu từ Ả-rập Xê-út.
Bên cạnh đó, giá dầu thô hiện cũng chịu áp lực trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng cao khiến giới đầu tư lo ngại đà phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo là suy giảm triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô. Giới đầu tư lo ngại Hoa Kỳ có thể sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phát thương mại mới lên Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc thông qua việc áp đặt Luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu Hồng Kông.
Giá dầu thô đã bật tăng trở lại trong vài tuần gần đây khi thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ tăng trở lại khi ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sụt giảm khoảng 30%.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đà tăng của giá dầu thô sẽ được thử thách bởi cam kết Nga có tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác hay không. Ả-rập Xê-út và một số quốc gia thành viên khác thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang cân nhắc việc kéo dài thêm việc cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục như hiện nay cho đến cuối năm 2020 thay vì đến hết tháng 6/2020 như thoả thuận trước đây. Tuy nhiên, đề xuất này cần đạt được sự đồng thuận từ Nga – nước đứng đầu các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh của khối OPEC.