Giá đậu tương thế giới tăng mạnh, thị trường đối mặt hàng loạt rủi ro suy giảm nguồn cung

Giá đậu tương trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tiếp tục tăng mạnh lên mức hơn 17,2 USD/giạ khi thị trường đối mặt hàng loạt rủi ro suy giảm nguồn cung và dự báo Trung Quốc có thể tăng cường thu mua đậu tương trong thời gian tới.
giá đậu tương
Giá đậu tương giao tháng 5/2022 trên sàn CBOT trong 6 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 23/3 (theo giờ địa phương), giá đậu tương giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng tới 22,25 cents lên 17,21 USD/giạ (27,2 kg/giạ); giá đậu tương giao tháng 11/2022 cũng tăng thêm 10 cents lên 15 USD/giạ.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, nhận định xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hiện nay đã khuếch đại các vấn đề trên thị trường đậu tương toàn cầu, gồm việc sụt giảm sản lượng tại một số quốc gia canh tác đậu tương lớn như Brazil và Argentina, chi phí vận tải biển toàn cầu ở mức cao và lượng tồn kho đậu tương ở nhiều quốc gia ở mức thấp. Các nhân tố này đã hỗ trợ vững chắc đà tăng của giá đậu tương trên sàn CBOT.

Thị trường hiện đang quan sát chặt chẽ động thái nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong bối cảnh thiên tai nghiêm trọng hồi năm ngoái đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động canh tác đậu tương của nước này trong năm nay. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, chiếm 30% tổng lượng đậu tương được nhập khẩu trên toàn cầu hàng năm.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường đậu tương thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

tồn kho đậu tương
 Diễn biến lượng tồn trữ đậu tương và sản lượng nghiền đậu tương tại Trung Quốc qua các tháng (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đợt lũ lụt nghiêm trọng hồi tháng 7/2021 đã gây tác động tiêu cực đến khoảng 1/3 tổng diện tích canh tác đậu tương của Trung Quốc, khiến chất lượng cây trồng trong năm nay giảm khoảng 20% so với mức thông thường. Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy lượng tồn kho đậu tương của nước này trong tuần trước tiếp tục giảm 0,17 triệu tấn so với một tuần trước đó, xuống chỉ còn 2,77 triệu tấn. Con số này bằng khoảng 50% so với mức cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng ép dầu đậu tương tại nước này cũng suy giảm mạnh khi nhiều nhà máy phải tạm thời ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu đầu vào.

Hoạt động nhập khẩu đậu tương vào Trung Quốc hiện đối mặt nhiều khó khăn khi nước này đang áp dụng chính sách “Không ca mắc COVID-19” (Zero Covid), kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải và di chuyển tại nhiều thành phố lớn, bao gồm các cảng biển quan trọng, nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch mới.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã phát đi các tín hiệu tập trung đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới. Do đó, hoạt động nhập khẩu đậu tương của nước này nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trở lại trong thời gian tới sau khi các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng. Đây sẽ là cơ sở để giúp giá đậu tương trên sàn CBOT duy trì ở mức cao trong ngắn hạn.

nhập khẩu đậu tương
Lượng nhập khẩu đậu tương theo các tháng của Trung Quốc qua các niên vụ gần đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Trong hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh thu mua đậu tương từ Hoa Kỳ hơn mức thường lệ. Thông thường, Trung Quốc sẽ ưu tiên nhập khẩu đậu tương từ Brazil trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 khi Brazil tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, nguồn cung từ Brazil hiện đang ở mức yếu do sản lượng suy giảm vì tình trạng hạn hán kéo dài cũng như nông dân nước này không đẩy mạnh bán hàng ra khi giá đậu tương có thể tiếp tục tăng cao vì xung đột quân sự Nga – Ukraine. Do đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu đậu tương từ Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường nông sản tại đây.

Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn trên sông Mississippi đã khiến giá cước vận chuyển trên tuyến này đạt mức cao nhất 8 năm trở lại đây. Đây là tuyến đường vận chuyển đậu tương chính từ các khu vực nội địa đến các cảng xuất khẩu dọc duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ. Điều này có thể hỗ trợ giá đậu tương Hoa Kỳ neo ở mức cao trong ngắn hạn.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961
Duy Quang