Giá đồng sẽ giữ ổn định trong trung hạn; giá kẽm có xu hướng tăng

Hãng tin Reuters đưa tin, công ty khai thác kim loại Trung Quốc MMG Ltd., dự báo giá đồng sẽ được giữ gần mức 7.000 USD/tấn như hiện nay trong trung hạn; ngược lại giá kẽm được dự báo sẽ tăng lên do t

Công ty MMG Ltd., là công ty thành viên thuộc tập đoàn khai khoáng China Minmetals Corp, có trụ sở tại Melbourne (Australia). MMG Ltd., hiện đang khai thác đồng và kẽm với các mỏ khai thác tại Australia, Lào, Cộng hòa Công – gô; trong đó, mỏ khai thác Centrury của công ty tại Australia là mỏ khai khoáng lớn thứ ba thế giới.

MMG Ltd., dự báo, trong trung hạn, giá đồng sẽ được giữ ở quanh mức 7.000 USD/tấn nhờ sự gia tăng vững chắc nhu cầu sử dụng,  trong khi  nguồn cung đồng từ các mỏ mới tăng chậm hơn so với dự báo. Ngược lại, giá kim loại kẽm được MMG Ltd. dự báo sẽ tăng lên. Nguyên nhân, nhu cầu sử dụng kẽm đang có xu hướng tăng nhanh hơn nguồn cung trong bối cảnh một số mỏ khai thác bên ngoài Trung Quốc đóng cửa và các nhà khai khoáng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung mới.

Dự báo giá đồng

Giám đốc điều hành(CEO) MMG, ông Andrew Michelmore dự báo giá đồng sẽ được giữ ở mức 7.000 USD/tấn – gần bằng với mức giá đồng giao sau 3 tháng hiện tại trên Sàn giao dịch kim loại London (LME): 7.127 USD/tấn (giá ngày 8/11)

Giá đồng hiện đang chịu áp lực giảm do thị trường lo ngại sẽ có quá nhiều nguồn cung đồng trong thời gian tới như việc mỏ đồng Oyu Tolgoi của tập đoàn khai khoáng Rio Tinto đi vào hoạt động và nguồn cung đồng phế liệu tại Trung Quốc tăng lên. Tuy nhiên, ông Andrew Michelmore cho rằng quan điểm trên có thể sẽ bị chứng minh là không đúng.

Trước đó, nột số hãng tư vấn hàng hóa và dịch vụ tài chính lớn trên thế giới như: CPM Group (Mỹ), INTL FCStone (Mỹ) và BNP Paribas (Pháp) dự báo mức dư cung đồng trong năm 2013 nằm trong khoảng từ 150.000 tấn đến 270.000 tấn và sẽ tăng lên mức từ 250.000 tấn đến 400.000 đấn trong năm 2014. Ông Leon Westgate, chuyên gia phân tích tại tập đoàn tài chính Standard Bank Plc (Anh) cho biết, tình trạng dư cung đồng sẽ diễn ra ít nhất cho đến năm 2016 với mức dư cung đạt 292.000 tấn trong năm 2014.

“Tôi cho rằng thị trường đang đánh giá quá cao về tốc độ gia tăng nguồn cung đồng ra thị trường và điều này sẽ tạo nên sự bất ổn trên thị trường”, ông Andrew Michelmore nhận định.

Vị CEO của MMG Ltd., cũng cho biết, ông không thấy nguồn cung đồng từ các mỏ khai thác tại khu vực Châu Phi, Châu Á, trừ mỏ Oyu Tolgoi (Mông Cổ) có tác động nhiều đến nguồn cung đồng toàn cầu trong trung hạn.

Về phía nhu cầu, ông Andrew Michelmore dự báo nhu cầu sử dụng đồng của Trung Quốc sẽ tăng lên trong năm 2014. Trung Quốc là quốc gia sử dụng nhiều nhất các loại hàng hóa, bao gồm đồng và kẽm.

Dư cung kẽm giảm xuống
Dự báo giá kẽm trong năm 2014 của một số công ty tư vấn hàng hóa

CPM Group: 2.005 USD/tấn

BNP Paribas: 2.060 USD/tấn

INTL FCStone: 2.100 USD/tấn


Ông Andrew Michelmore cho biết giá kẽm có khả năng tăng lên do mức dư cung kẽm trên thị trường trong năm nay đang giảm nhanh xuống còn khoảng 50.000 tấn hoặc thấp hơn. Con số này thấp hơn một nửa mức dư cung được dự báo bởi Tổ chức nghiên cứu chì và kẽm quốc tế (ILZSG).

CPM Group và INTL FCStone nhận định thị trường kẽm đang trong tình trạng dư thừa và dự báo tình trạng này sẽ giảm xuống trong năm 2014. Hãng CPM Group dự báo thị trường kẽm sẽ chuyển sang tình trạng thiếu hụt cung vào năm 2015.

Ông Andrew Michelmore cũng cho biết tăng trưởng trong nhu cầu sử dụng kẽm ở mức tốt. Vấn đề chính là về phía nguồn cung kẽm tại Trung Quốc và các quốc gia phương Tây trong bối cảnh một số mỏ khai thác vốn cung cấp khoảng 1 triệu tấn kẽm ra thị trường sẽ đóng cửa trong vài năm tới, trong đó có mỏ Century của MMG tại Australia.

Chuyên gia phân tích của hãng tư vấn hàng hóa BNP Paribas (Pháp), ông Stephen Briggs cho biết việc một số mỏ khai thác kẽm lớn đóng cửa trong năm nay và trong vòng hai năm tới sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn cung; nguồn cung kẽm ra thị trường đang bắt đầu giảm xuống trong vòng 12 đến 24 tháng tới.

Những động thái nhằm cải thiện chất lượng không khí và hạn chế việc các kim loại nặng gây ô nhiễm đất trồng trọt của Chính phủ Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy chế biến tinh quặng và các nhà máy luyện kim tại Trung Quốc.

Ông Andrew Michelmore nhận định: “Chúng tôi cho rằng, ở một mức nào đó, Trung Quốc có thể sẽ tự khai thác kẽm từ các mỏ của mình và Trung Quốc cần nguồn cung từ các mỏ khai thác kẽm mới. Nhưng liệu Trung Quốc có thực hiện như vậy? Điều đó còn tùy thuộc vào các quy định môi trường đi kèm việc khai thác. Do đó việc khai thác tại Trung Quốc có thể bị ngăn cản”.

Bên cạnh đó, có rất ít mỏ khai thác kẽm mới được xác định và những dự án khai thác kẽm đang được tiến hành, như ở Iran và Nam Phi, hoạt động triển khai diễn ra chậm. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung sẽ tăng chậm hơn so với nhu cầu sử dụng cho đến khi giá kẽm tăng lên mức cao hơn đáng kể.

Ông Andrew Michelmore cho biết: “Hầu hết các dự án khai thác kẽm cần giá kẽm trên mức 1 USD/pound để triển khai việc khai thác”. Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London chốt phiên ngày 7/11 đạt 1.894 USD/tấn (tương đương 86 cents/pound).

Đặng Quang (Tổng hợp)