Các quỹ đầu tư trên thế giới đang ngày càng kỳ vọng giá hàng hoá cơ bản như dầu mỏ và ngô sẽ tăng mạnh trong thời gian tới trong bối cảnh các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và mức lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc lạm phát có thể tăng lên và sự suy yếu của đồng USD sẽ khiến các loại hàng hoá cơ bản trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.
Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết các quỹ đầu tư đang cùng nhau đặt cược vào việc giá hàng hoá sẽ tăng lên và khối lượng đặt cược đang ở mức lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index, chỉ số đo lường diễn biến giá của 23 loại hàng hoá cơ bản, đã bật tăng 67% kể từ tháng 3/2020. Hồi tháng 3/2020, chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến nhu cầu về hàng hoá lao dốc.
Trong số các loại hàng hoá cơ bản, giá đồng – kim loại công nghiệp chủ chốt đã vượt mức 9.300 USD/tấn – mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây và tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 3/2020. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô cũng đã tăng hơn 30%. Trong khi đó, giá các loại hàng hoá nông nghiệp như lúa mì, cà phê và đường cũng đang tăng mạnh vì thiếu hụt nguồn cung.
Vào đầu tháng 2/2021, ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase (Hoa Kỳ) nhận định giá các loại hàng hoá cơ bản có thể sẽ bắt đầu một siêu chu kỳ giá mới. Theo đó, giá các loại hàng hoá sẽ cao hơn nhiều so với xu hướng dài hạn.
Các tổ chức tài chính quốc tế lớn như ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cũng có nhận định tương tự. Trong 100 năm qua, giá hàng hoá cơ bản đã trải qua 4 siêu chu kỳ giá. Sự gia tăng hàng hoá cơ bản được xem là cơ hội của một số nền kinh tế giàu tài nguyên khoáng sản như Canada, Brazil, Chile và Venezuela.
Ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược thị trừng hàng hoá cơ bản thuộc ngân hàng đầu tư TD Securities (Canada), nhận định “Những nhà đầu tư đã bỏ qua hàng hoá cơ bản trong thời gian dài vừa qua, giờ đang quay lại để mua vào. Xu hướng giá tăng lên sẽ vẫn còn tiếp tục vì kỳ vọng vào sự khan hiếm của hàng hoá”.
Ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase nhận định hàng hoá cơ bản là lựa chọn tốt để chống lại lạm phát. Giới đầu tư hiện đang ngày càng lo ngại hơn về rủi ro lạm phát khi môi trường chính sách tiền tệ siêu lỏng và lãi suất cực thấp xuất hiện trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, JPMorgan Chase nhận định giá hàng hoá cơ bản cũng có thể tăng cao như hệ quả của các hoạt động chống lại biến đổi khí hậu. Việc thúc đẩy chống lại biến đổi khí hậu đặt ra nguy cơ siết chặt hoạt động khai thác dầu mỏ, đồng thời thúc đẩy nhu cầu về kim loại cơ bản để xây dựng cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo, sản xuất pin và xa điện.
Giám đốc điều hành (CEO) Mike Henry của tập đoàn BHP nhận định những xu hướng tăng giá hàng hoá cơ bản trên thị trường còn liên quan đến sự gia tăng dân số toàn cầu, quá trình điện hoá và dịch chuyển cơ cấu năng lượng. Tất cả những yếu tố này đều hỗ trợ nhu cầu hàng hoá cư bản trong trung và dài hạn, theo ông Mike Henry. BHP hiện là một trong những hãng khai khoáng lớn nhất thế giới, đặc biệt là lĩnh vực khai thác quặng sắt và đồng.