Lợi nhuận hụt theo đà lao dốc của giá heo hơi
Kết thúc quý 3/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã cổ phiếu DBC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 2.709 tỷ đồng và lãi ròng chỉ còn 12,5 tỷ đồng, giảm mạnh lần lượt 24% và 94% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ cũng giảm 42%, còn 281 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp chỉ còn 10%.
Giá heo hơi quay đầu giảm mạnh kể từ đầu quý 3/2023 là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dabaco kém sắc. Chỉ trong tháng 9/2023, giá heo hơi đã lao dốc từ 60.000 đồng/kg xuống còn 52.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với vùng 64.000 đồng/kg của quý 3/2022 và quý 2/2023.
Giá heo hơi giảm chủ yếu do sức mua chưa thực sự khởi sắc trong khi đó dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp khiến một lượng lớn heo chạy dịch bị đẩy ra thị trường. Tình trạng nhập lậu thịt heo giá rẻ từ Thái Lan và Campuchia cũng tác động đến diễn biến giá trên thị trường.
Đồng thời, giá nguyên liệu chính nhập khẩu dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi tuy có hạ nhiệt những vẫn ở mức cao, góp phần “bào mòn” phần lợi nhuận của Tập đoàn Dabaco. Tập đoàn này hiện đang phải nhập khẩu tới 60% nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, Tập đoàn Dabaco cũng đã ghi nhận xong doanh thu từ dự án bất động sản Parkview hồi quý 2/2023 nên trong 2 quý cuối năm nay sẽ không còn lợi nhuận đột biến từ mảng bất động sản.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần và lãi ròng của Tập đoàn Dabaco lần lượt là 8.496 tỷ đồng và 18,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 9% và giảm 92% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tập đoàn này mới chỉ hoàn thành 3% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Dự báo mảng chăn nuôi tiếp tục ảm đạm trong quý 4/2023
Mảng chăn nuôi và mảng thức ăn chăn nuôi trong quý 3/2023 chỉ tăng trưởng yếu 1% so với quý 2/2023. Trong khi đó, giá heo hơi vẫn chịu áp lực giảm trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11/2023, chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, khiến nguồn cung heo chạy dịch tăng trở lại.
Tính đến cuối tuần trước, giá heo hơi trung bình chỉ còn khoảng 49.000 đồng/kg tại miền Bắc, và dao động từ 49.000 đồng - 52.000 đồng/kg tại miền Trung và miền Nam. Điều này có thể tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh mảng chăn nuôi của Tập đoàn Dabaco trong quý 4/2023.
Giá heo hơi được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp từ nay đến cuối năm 2023 trước khi tăng nhẹ trở lại vào đầu năm 2024. Tết Nguyên đán thường là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt heo lên cao nhất trong năm, cùng với đó việc lương cơ bản được điều chỉnh tăng có thể là yếu tố hỗ trợ cho tiêu thụ dịp cuối năm.
Đồng thời, theo hãng chứng khoán Vietcombank Securities, đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi mới có thể khiến thiếu hụt một lượng nhỏ nguồn cung heo cho cuối năm nhưng sẽ không tác động nhiều đến giá do quy mô đàn heo tại khu vực nông hộ giảm nhưng các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được đàn tốt nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Hiện các hộ chăn nuôi đang chiếm 38% tổng nguồn cung heo toàn thị trường.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Kỳ vọng đặt vào dự án vaccine dịch tả lợn châu Phi
Đáng chú ý, dự án vaccine dịch tả lợn châu Phi được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu lớn mới trong trung và dài hạn cho Tập đoàn Dabaco.
Dự kiến trong tháng 11 này, Tập đoàn Dabaco sẽ hoàn thành các bước kiểm tra thực địa đối với 3 lô vaccine dịch tả lợn châu Phi trên các trang trại ở Bắc Ninh. Đây là bước khảo nghiệm vaccine cuối cùng để đăng ký lưu hành theo quy định. Nếu được cấp phép thương mại hóa, nhà máy vaccine của tập đoàn sẽ sản xuất đại trà từ cuối quý 4/2023.
Trước đó, vào tháng 4/2023, Tập đoàn Dabaco đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trong đó tất cả lợn được tiêm phòng đều có phản ứng kháng thể. Đến đầu tháng 9/2023, các cơ quan chuyên môn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dabaco về tiến độ khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy vaccine đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80 - 100% trên đàn lợn thí nghiệm.
Thị trường vaccine dịch tả lợn châu Phi có quy mô khá lớn và nhiều tiềm năng do trên thế giới mới chỉ có vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco được thương mại hoá.
Tập đoàn Dabaco đặt mục tiêu không chỉ lưu hành trong nước mà sẽ xuất khẩu vaccine sang các quốc gia chăn nuôi heo lớn, mang lại nguồn thu bền vững kể từ 2024.
Vào giữa tháng 8/2023, Tập đoàn Dabaco và tập đoàn Guangdong Winsun Bio Pharmaceutical (Trung Quốc) đã ký thoả thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine dùng trong thú ý. Được biết, Winsun là 1 trong 10 doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm sinh học thú ý hàng đầu Trung Quốc. Thoả thuận này có thể thúc đẩy khả năng vaccine dịch tả lợn châu Phi của Tập đoàn Dabaco tiếp cận thị trường Trung Quốc - quốc gia chăn nuôi heo lớn nhất thế giới.