Giá kim loại cơ bản bị cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc “bóp méo”

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá kim loại cơ bản trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ số giá kim loại đồng đã 11%, chỉ số giá kim loại kẽm và chì mất tới 20%.

Theo quan sát của nhiều chuyên gia thì giá các kim loại cơ bản trên thị trường vẫn đang chịu áp lực từ nhiều yếu tố bất lợi, kìm giữ giá của các mặt hàng này bất chấp việc nguồn cung kim loại cơ bản đã sụt giảm, thậm chí thị trường có thể rơi vào tình trạng thiếu cung.

Các yếu tố bất lợi chủ yếu là khả năng cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang và diễn biến phức tạp sẽ đe dọa đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc – nước đứng đầu thế giới về sử dụng các kim loại cơ bản. Điều này đã khiến thị trường kim loại cơ bản lo ngại nhu cầu sử dụng sẽ rơi xuống thấp. Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ tăng tỷ lệ lãi suất cũng làm giảm tính hấp dẫn của kim loại cơ bản đối với các nhà đầu tư.

Theo nhận định của một số chuyên gia, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm méo mó diễn biến giá của thị trường kim loại cơ bản trong bối cảnh nhu cầu sử dụng kim loại cơ bản vẫn ở mức tốt và thị trường có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Nhận định về tác động của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ông Dan Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa thuộc Oxford Economics cho biết: "Chúng ta đang chuyển từ một giai đoạn mà mức thuế rất thấp (sang một giai đoạn khác), nhưng trên trong lịch sử có lúc còn tồi tệ hơn rất nhiều so với thực tế hiện nay".

Dữ liệu kinh tế cho thấy, mức thuế trung bình trên toàn cầu đã từng đạt đỉnh lên trên 20% khi chiến tranh thương mại thập niên 1930 diễn ra. Các cuộc xung đột thương mại hiện nay mới đẩy mức thếu lên khoảng 3,04% và có thể lên 3,76% nếu những kế hoạch đánh thuế lớn được thực hiện, theo nghiên cứu của tổ chức Oxfod Economics.

Các số liệu mới nhất về lượng tồn trữ kim loại cơ bản trên toàn cầu cho thấy rõ ràng thị trường có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Cụ thể, lượng dự trữ kim loại đồng đã giảm gần 50% trong vòng 6 tháng trở lại đây. Đồng vốn là kim loại được giới đầu tư ưa thích do mức độ sử dụng rộng rãi của kim loại này trong cuộc sống, từ hoạt động xây dựng đến chế tạo thiết bị điện.

Lượng nhôm lưu kho tại các nhà kho do sàn LME quản lý đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 1 triệu tấn kể từ tháng 3/2008. So với đợt tồn trữ cao kỷ lục lên đến 5,5 triệu tấn vào tháng 2/2014 thì lượng nhôm dự trữ hiện đã giảm đến 82%.

Lượng kẽm lưu kho tại các nhà kho do Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải quản lý hiện cũng ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong bối cảnh lượng tồn trữ các kim loại cơ bản sụt giảm thì hoạt động sản xuất các kim loại này gặp một số khó khăn. Ngày 3/10/2018, hãng Norsk Hydro cho biết sẽ tạm dừng sản xuất và cho nghỉ việc 4.700 nhân công tại nhà máy Alunorte tại Brazil. Đây là nhà máy sản xuất Alumina lớn nhất thế giới. Trước đó vào tháng 3/2018, nhà máy này đã giảm một nửa công suất hoạt động do những tranh chấp liên quan đến môi trường.Trong năm 2017, nhà máy này đã sản xuất khoảng 6,4 triệu tấn nhôm tương đương 10% tổng sản lượng toàn cầu (không tính sản lượng nhôm của Trung Quốc) và cung ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất khoảng 3 triệu tấn nhôm.

Vào đầu năm 2018, giá nhôm và alumnia trên toàn cầu đã tăng vọt sau khi nhà máy này cắt giảm một phần công suất sản xuất.

Đối phó với các sắc thuế do Hoa Kỳ áp đặt, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu hành động để giảm các ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này bằng cách cắt giảm thuế, tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng như nới lỏng tín dụng.

 

 

Duy Quang