Giá ngô và lúa mì thế giới tăng mạnh trước rủi ro đứt gãy nguồn cung từ Nga và Ukraine

Tình trạng leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang đẩy giá ngô và lúa mì trên thị trường quốc tế tăng vọt do lo ngại đứt gãy nguồn cung từ hai quốc gia này. Giới phân tích nhận định các quốc gia nhập khẩu ngô và lúa mì lớn có thể tăng cường thu mua nông sản từ Hoa Kỳ nhằm đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

Trong vòng 2 tuần trở lại đây, giá ngô và giá lúa mì giao tháng 3/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã liên tục tăng mạnh. Trong đó, giá ngô đã tăng 5,63% lên 6,19 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô); giá lúa mì tăng 8,88% lên 8,09 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì). Đây đều là những mức giá cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết sự leo thăng căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã tạo ra sự thu hút lớn từ giới đầu tư đối với mặt hàng lúa mì và ngô do các rủi ro đứt gãy nguồn cung có thể xảy ra. Giá ngô và lúa mì trên sàn CBOT đã có những phiên giao dịch tăng mạnh trong tuần này bất chấp những biến động lớn của các thị trường tài chính trước thềm phiên họp chính sách tháng 1/2022 của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).

Tình trạng gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến nhiều nhà quan sát cảnh báo có thể khiến hoạt động giao thương hàng hoá tại khu vực Biển Đen, một trong những trung tâm ngũ cốc lớn trên thế giới, bị đình trệ.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường ngô và lúa mì thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

giá lúa mì
 Diễn biến giá lúa mì giao tháng 3/2022 trên sàn CBOT trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Đối với mặt hàng lúa mì, khu vực Biển Đen gồm Nga, Ukraine và Kazakhstan hiện là vùng xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm đến 33% tổng lượng lúa mì được giao dịch trên toàn cầu. Trong đó, Nga hiện là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Rủi ro gián đoạn nguồn cung lúa mì từ khu vực Biển Đen khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mì trong thời gian tới trở nên trầm trọng hơn. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tổng sản lượng lúa mì trên toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 dự báo chỉ đạt 778,6 nghìn tấn, thấp hơn đáng kể so vứoi mức tiêu thụ ước đạt 787,5 nghìn tấn.

xuất khẩu lúa mì
 Khu vực Biển Đen là vùng xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới; trong khi đó, khu vực Trung Đông và Bắc Phi gần đó là khu vực nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đồng thời, chỉ số tồn kho trên mức tiêu thụ lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 36,6%, xác lập niên vụ giảm thứ 2 liên tiếp. Hệ số này càng thấp thì càng cho thấy tốc độ gia tăng nguồn cung không theo kịp tốc độ tăng của nhu cầu tiêu thụ, tình trạng căng thẳng nguồn cung tăng cao hơn.

Công ty Cổ phần Saigon Futures nhận định sự gia tăng rủi ro đứt gãy nguồn cung từ khu vực Biển Đen có thể khiến những quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới như Ai Cập, Algeria và Nigeria tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế. Hiện Hoa Kỳ đang nổi lên là ứng viên tiềm năng do có thời gian vận chuyển lúa mì ngắn thứ 2 sau khu vực Biển Đen.

Do đó, giá lúa mì được giao dịch trên sàn CBOT có thể tiếp tục tăng trong những phiên giao dịch tới đây. Trong quá khứ, giá lúa mì trên sàn CBOT đã tăng 20% trong tháng 3/2014 chỉ sau vài tuần khi các lực lượng quân đội Nga xuất hiện tại vùng bán đảo Crimea.

Giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 3/2022 trên sàn CBOT trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Đối với mặt hàng ngô, Ukraine hiện là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới, chiếm 16% tổng lượng ngô được giao dịch trên toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu ngô truyền thống của Ukraine nhờ giá bán ngô cạnh tranh và khoảng cách vận chuyển ngắn. Tổng lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2021 đạt 28,35 triệu tấn, tăng 152,2% so với năm 2020 và trở thành quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới.

xuất khẩu ngô
Dự báo sản lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu của các quốc gia xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới trong niên vụ 2021/2022 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới tại đây.

Do đó, sự gián đoạn nguồn cung ngô từ Ukraine có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ngô từ Hoa Kỳ. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đã nới lỏng các quy định về việc sử dụng ngô biến đổi gen (GMO), tạo điều kiện thuận lợi cho ngô từ Hoa Kỳ gia tăng thị phần. Xu hướng tăng cường nhập khẩu ngô từ Hoa Kỳ của Trung Quốc bắt đầu trở nên rõ nét hơn trong thời gian vừa qua.

Xuất khẩu ngô
 Hoạt động xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời gian gần đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Trong hai tuần gần đây, USDA đã liên tục ghi nhận các đơn hàng thu mua ngô Hoa Kỳ từ Trung Quốc với khối lượng cao đột biến. Trong tuần kết thúc vào ngày 13/1 (tuần thứ 20 của niên vụ 2021/2022), lượng ngô được Hoa Kỳ bán sang Trung Quốc đạt tới 77,9 nghìn tấn, cao hơn tới 70 nghìn tấn so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Do đó, bất kỳ sự leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ đẩy giá ngô và lúa mì trên thị trường quốc tế tăng vọt.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961
Duy Quang