Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 10/6, giá ngô giao tháng 7/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) gần như không biến động, đạt 7,73 USD/giạ (25,4 kg/giạ).
Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 7/2022 giảm tới 1,33% xuống còn 17,45 USD/giạ (27,2 kg/giạ); giá lúa mì giao tháng 7/2022 biến động nhẹ còn 10,70 USD/giạ (25,4 kg/giạ). Tính chung cả tuần này, giá ngô đã tăng 4,3%, giá đậu tương tăng 2,7% và giá lúa mì giảm 2%.
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết tương tự như các thị trường tài chính khác, các mặt hàng ngũ cốc trên sàn CBOT đã chịu áp lực tiêu cực trong phiên giao dịch ngày 10/6 sau khi Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất cao nhất kể từ năm 1981 và điều này sẽ tăng sức ép lên Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong việc siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Việc FED tăng mạnh lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá, giảm sức hấp dẫn đối với các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như các loại ngũ cốc.
Đối với mặt hàng ngô, dữ liệu mới nhất cho thấy tổng lượng ngô xuất khẩu của Hoa Kỳ tính từ đầu niên vụ 2021/2022 đến ngày 2/6 vừa qua chỉ đạt 44 triệu tấn, giảm gần 17% so với cùng kỳ niên vụ trước. Riêng trong tuần kết thúc vào ngày 2/6, lượng ngô xuất khẩu của nước này đạt 1,43 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ niên vụ trước và nằm trong khoảng dự báo của giới phân tích nhận định trước đó.
Báo cáo Triển vọng cung cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 6/2022 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo lượng tồn trữ ngô tại Hoa Kỳ vào cuối niên vụ 2021/2022 đạt 1,485 triệu giạ, tăng 3,13% so với mức dự báo hồi tháng 5. Trong khi đó, mức tồn kho cuối niên vụ 2022/2023 trên toàn cầu được USDA dự báo đạt 310,92 triệu tấn, tăng 0,49% so với dự báo gần nhất.
Tại Brazil, Cơ quan Cung ứng quốc gia Brazil (CONAB) vừa nâng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của Brazil lên 124,3 triệu tấn, tăng 0,6% so với mức dự báo đưa ra hồi đầu tháng 5, chủ yếu do năng suất cây trồng tại một số khu vực được cải thiện. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 10% so với mức cao kỷ lục trong niên vụ trước.
Đối với mặt hàng đậu tương, xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 2/6 chỉ đạt 350.416 tấn, thấp hơn đáng kể so với mức kỳ vọng của giới phân tích. Luỹ kế từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay, Hoa Kỳ xuất khẩu được 49,9 triệu tấn đậu tương, giảm 12% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Tại Trung Quốc, Trung tâm Ngũ cốc và Dầu ăn quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho biết sản lượng nghiền ép đậu tương tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 3/6 chỉ đạt 1,64 triệu tấn, giảm tới 0,24 triệu tấn so với một tuần trước đó và thấp hơn 0,37 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do các nhà máy nghiền ép đậu tương giảm công suất hoạt động trong dịp Lễ hội Thuyền rồng tại Trung Quốc. Đồng thời, việc biên lợi nhuận từ việc nghiền ép đậu tương giảm xuống cũng tác động tiêu cực đến hoạt động này.
Sự sụt giảm sản lượng nghiền ép đậu tương đã khiến tồn kho đậu tương tại Trung Quốc tăng tuần thứ 7 liên tiếp, đạt 0,92 triệu tấn trong tuần trước. Con số này cao hơn 0,19 triệu tấn so với mức trung bình 3 năm gần đây.
Trong khi đó, sản lượng nghiền ép đậu tương tại Argentina trong tháng 5 đạt 4,1 triệu tấn, tăng 5% so với tháng 4 khi biên lợi nhuận của việc nghiền ép đậu tương được cải thiện, tăng lên mức 2 USD/tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 14 USD/tấn xác lập vào tuần cuối cùng của tháng 4 vừa qua.
USDA dự báo Argentina sẽ xuất khẩu 5,9 triệu tấn dầu đậu tương trong niên vụ 2022/2023, tăng 5% so với niên vụ trước, và xuất khẩu đậu tương đạt 28,5 triệu tấn, tăng 2% so với niên vụ 2021/2022.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.
Đối với mặt hàng lúa mì, dữ liệu của Uỷ ban châu Âu (EC) cho thấy xuất khẩu lúa mì của Liên minh châu Âu (EU) trong tuần kết thúc vào ngày 5/6 đạt 233.065 tấn, tăng 5% so với tuần trước. Tính từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay, EU đã xuất khẩu được 25,33 triệu tấn lúa mì, tăng 1,3% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trong tuần vừa qua, Pháp là quốc gia có khối lượng lúa mì xuất khẩu lớn nhất khu vực EU, theo sau là Bulgaria và Đức. Về phía nhập khẩu, Algeria hiện là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất của EU với tổng lượng nhập khẩu đạt 4,53 triệu tấn tính từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay. Ai Cập và Trung Quốc lần lượt là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai và thứ ba từ EU trong giai đoạn vừa qua.
Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.
- Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
- Website: https://saigonfutures.com
- Hotline: 0903.352.961