Theo dữ liệu của Bloomberg, giá quặng sắt trong ngày 23/9 chỉ đạt 55,97 USD/tấn (loại hàm lượng 62% sắt, giao tại cảng Thanh Đảo - Trung Quốc), giảm 9,8% so với cùng kỳ tháng 8/2016 và thấp hơn nhiều so mức 70 USD/tấn từng được ghi nhận trong tháng 5/2016.
Tính từ đầu tháng 9/2016 đến nay, giá quặng sắt đã giảm 3,7%. Xu thế giảm của quặng sắt trong thời gian gần đây khiến một số nhà nghiên cứu đưa ra dự báo giá quặng sắt có thể giảm xuống dưới mức 50 USD/tấn. Các phân tích chỉ ra rằng giá quặng sắt đang giảm mạnh do tình trạng dư cung; trong khi đó, nhu cầu sử dụng quặng sắt của ngành công nghiệp thép trên toàn cầu, nhìn chung, ở mức thấp.
Tuy nhiên, việc giá quặng sắt giảm sâu chưa khiến các tập đoàn khai khoáng quặng sắt lớn trên thế giới như Vale (Brazil) và BHP Billiton (Asutralia) chùn bước; các hãng này thậm chí còn đẩy mạnh kế hoạch nâng sản lượng khai thác.
Cụ thể, Vale vừa qua cho biết dự án S11D của hãng này tại Braizl sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 1/2017. Dự án này sẽ giúp tổng sản lượng khai thác quặng sắt của Vale tăng thêm 90 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, một số dự án khai thác quặng sắt lớn khác của Vale cũng đang dần hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào hoạt động. Ngoài ra, tập đoàn BHP Billition cũng cho biết sẽ nâng sản lượng khai thác thêm gần 100 triệu tấn/năm trong thời gian tới.
Citigrioup dự báo, lượng quặng sắt xuất khẩu của Brazil sẽ tăng từ mức 371 triệu tấn trong năm 2016 lên 480 triệu tấn trong năm 2020; trong khi đó, lượng quặng sắt xuất khẩu của Australia cũng tăng từ mức 835 triệu tấn trong năm 2016 lên 934 triệu tấn trong năm 2020. Theo tính toán của Citigroup, điều này sẽ khiến mức dư cung quặng sắt trên toàn cầu tăng cao từ mức 20 triệu tấn trong năm nay lên 56 triệu tấn trong năm 2018.
Mặc dù dư cung tăng, giá quặng sắt giảm sâu nhưng các hãng khai khoáng lớn vẫn tương đối lạc quan về tương lai nhờ kỳ vọng nhu cầu sử dụng quặng sắt tại Trung Quốc sẽ tăng lên. Bất chấp việc Trung Quốc đang chịu sức ép lớn về việc cắt giảm công suất dư thừa của ngành thép, số liệu của Hiệp hội thép quốc tế cho thấy sản lượng thép của nước này trong tháng 7/2016 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2016, lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu đạt 669,65 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy tốc độ nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc vẫn được duy trì ở mức tốt. Tổng lượng quặng sắt được chuyển đến các cảng của Trung Quốc vào cuối tháng 9/2016 được dự báo đạt 94,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc sẽ chỉ hỗ trợ giá quặng sắt trong thời gian ngắn và tình trạng giá quặng sắt giảm sẽ buộc nhiều hãng khai khoáng quy mô nhỏ phải đóng cửa. Citigroup dự báo giá quặng sắt sẽ giảm xuống còn 45 USD/tấn trong năm 2017 và còn 38 USD/tấn trong năm 2018.