Giá quặng sắt sụt giảm
Theo số liệu từ the Steel Index Ltd, tính đến ngày 13/5, giá quặng sắt hàm lượng 62% sắt được giao dịch tại Thiên Tân (Trung Quốc) đã giảm 21% xuống còn 106 USD/tấn. Ông Kamal Naqvi – Giám đốc toàn cầu khối kinh doanh kim loại toàn cầu tại tập đoàn Credit Suisse Group AG nhận định, mặc dù giá quặng sắt có thể được giữ ở mức ổn định trong vòng 3 tháng nhưng giá quặng sắt có thể giảm xuống dưới mức 100 USD/tấn trong vòng 6 tháng tới và chỉ còn khoảng 90 USD/tấn.
Cơ quan Tài nguyên và Kinh tế Năng lượng Australia cho biết, nếu giá quặng sắt giảm xuống dưới 100 USD/tấn thì sản lượng quặng sắt của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống do các nhà khai thác quặng sắt tại Trung Quốc vốn có chi phí khai thác cao sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa.
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 5/5, tập đoàn tài chính Morgan Stanley dự báo nguồn cung quặng sắt được vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu sẽ tăng thêm 126 triệu tấn lên mức 1,38 tỷ tấn trong năm 2014. Điều này sẽ khiến dư cung quặng sắt trên toàn cầu tăng lên mức 79 triệu tấn trong năm 2014 so với mức 1 triệu tấn trong năm 2013. Ông Claudio Alves, Giám đốc marketing và bán hàng toàn cầu của tập đoàn Vale SA, dự báo lượng quặng sắt được vận chuyển qua đường biển sẽ tăng thêm 120 triệu tấn trong năm 2014 và 100 triệu tấn trong năm 2015; và dự báo lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2014 sẽ đạt 900 triệu tấn so với mức 820 triệu tấn trong năm 2013.
Tập đoàn Goldman Sachs Group Inc, dự báo giá quặng sắt trong quý IV/2014 sẽ giảm xuống còn 100 USD/tấn. Giá quặng sắt tại Thiên Tân trong tháng 4/2014 đã giảm tháng thứ năm liên tiếp, xác lập đợt giảm giá dài nhất kể từ tháng 8/2012. Do thị trường lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt giảm xuống và nguồn cung quặng sắt tăng lên.Ảnh hưởng đến các nhà khai thác quặng sắt Trung Quốc
Theo tập đoàn khai khoáng BHP Billition Ltd, việc nguồn cung trên thị trường quặng sắt được vận chuyển qua đường biển tăng lên sẽ gây khó khăn cho các nhà khai thác quặng sắt Trung Quốc và buộc các hãng khai thác có chi phí khai thác cao phải đóng cửa.
Ông Michiel Hovers, Phó chủ tịch marketing của tập đoàn BHP, cho biết, các nhà khai thác quặng sắt của Australia và Brazil với mức chi phí khai thác thấp có thể sẽ thay thế các nhà khai thác quặng sắt của Trung Quốc. Theo ông Claudio Alves, tập đoàn Vale SA đang lên kế hoạch tăng sản lượng khai thác thêm gần 50% cho đến năm 2018; Vale SA là hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới.
Các hãng khai thác quặng sắt lớn trên thế giới, bao gồm Vale SA, BHP, Rio Tinto Group và Fortescue Metals Group Ltd, đã đầu tư hàng tỷ đô la để gia tăng sản lượng do kỳ vọng vào sự tăng trưởng bền vững về nhu cầu của Trung Quốc – quốc gia sử dụng quặng sắt lớn nhất thế giới. Giá quặng sắt đã rơi vào xu hướng giảm kể từ tháng 3/2014 do thị trường lo ngại tình trạng dư cung.
Ông Zhuang Binjun, giám đốc phát triển kinh doanh của tập đoàn Fortescue cho biết tập đoàn này sẽ không cắt giảm sản lượng ngay cả khi giá quặng sắt giảm xuống nữa do chi phí khai thác của hãng này ở mức thấp. Theo ông Claudio Alves, chi phí khai thác trung bình của tập đoàn Vale SA tại Brazil hiện từ 21 USD – 22 USD/tấn so với mức giá bán hiện tại đạt 106 USD/tấn.