Giá quặng sắt giảm ngày thứ 3 liên tiếp, dự báo nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tiếp tục suy giảm

Chốt phiên giao dịch ngày 8/6, giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm ngày thứ ba liên tiếp khi các dữ liệu và dự báo cho thấy nhu cầu sử dụng quặng sắt của nước này đang có xu hướng giảm xuống.
Diễn biến giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng gần đây (Ảnh: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 8/6, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) đã giảm 2,38% xuống còn 1.130 Nhân dân tệ (176,63 USD)/tấn, xác lập phiên giảm giá thứ ba liên tiếp.

Trước đó, giá quặng sắt trên sàn DCE đã giảm 1,9% trong ngày 4/6 và giảm mạnh 4,4% trong ngày 7/6. Sàn DCE là một trong những sàn giao dịch hàng hoá lớn nhất Trung Quốc và biến động giá quặng sắt trên sàn này thường được xem là chỉ báo cho biến động giá quặng sắt trên thị trường kỳ hạn của Trung Quốc.

Dữ liệu của hãng phân tích thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt (giá CFR) giao đến cảng Thanh Đảo (Trung Quốc) trong ngày 7/6 đã giảm 2,4% xuống còn 202,42 USD/tấn; giảm 11,6% so với mức giá cao kỷ lục xác lập vào ngày 12/5 vừa qua.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc chịu áp lực giảm sau khi dữ liệu cho thấy lượng quặng sắt được nước này nhập khẩu trong tháng 5 vừa qua chỉ đạt 89,79 triệu tấn, giảm 8,9% so với hồi tháng 4/2021 và giảm tới 12% so với hồi tháng 3/2021. Dữ liệu cũng cho thấy lượng sắt thép được Trung Quốc xuất khẩu trong tháng 5/2021 chỉ đạt 5,3 triệu tấn, giảm mạnh 34% so với tháng 4/2021.

Hãng chứng khoán Sinosteel Futures (Trung Quốc) nhận định việc giá thép nội địa tại Trung Quốc giảm mạnh đang khiến biên lợi nhuận của các hãng sản xuất thép bị thu hẹp và nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, gây ra “sự biến động lớn cho thị trường trong ngắn hạn”.

Diễn biến giá thép
 Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn SHFE trong vòng 6 tháng gần đây (Ảnh: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 8/6, giá thanh cốt thép giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã giảm 2,13%; trước đó, giá thanh cốt thép đã giảm 4,2% trong phiên giao dịch ngày 7/6.

Chuyên gia phân tích Wang Yingwu thuộc hãng chứng khoán Huatai Futures (Trung Quốc) cho biết lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu từ Australia trong thời gian gần đây đã giảm xuống và dự báo sự sụt giảm này sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới đây.

Hãng nghiên cứu thị trường Capital Economics (Anh) cũng nhận định lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu sẽ giảm xuống trong thời gian tới khi nước này dần thắt chặt lại các chính sách hỗ trợ kinh tế.

“Chúng tôi dự báo Trung Quốc sẽ giảm việc nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp trong những tháng tới đây. Đây cũng là yếu tố chính khiến chúng tôi hạ dự báo triển vọng giá kim loại công nghiệp trong ngắn hạn”, hãng Capital Economics cho biết.

Lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc thường chiếm đến 70% tổng lượng quặng sắt được vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu. Nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc chủ yếu đến từ Brazil và Australia. Do đó những biến động trong nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc thường gây ảnh hưởng lớn đến giá quặng sắt trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo giá quặng sắt quốc tế có thể sẽ vẫn neo ở mức cao bất chấp nhu cầu của Trung Quốc suy yếu do nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.

Cuối tuần trước, tập đoàn Vale, một trong những hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, cho biết đã phải ngưng hoạt động một số mỏ khai thác tại bang Minas Gerais (Brazil) do nguy cơ vỡ đập, điều này khiến sản lượng của tập đoàn giảm 40.000 tấn quặng sắt mỗi ngày.

Chuyên gia phân tích Wang Yingwu cho biết nhu cầu sử dụng quặng sắt tại các nước khác đang có xu hướng tăng lên và nhu cầu của Trung Quốc hiện vẫn đang cao hơn so với hồi năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm 2002, lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu đạt 471,77 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng thép và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép như quặng sắt tại các thị trường ngoài Trung Quốc tăng lên.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)