Giá thép cuộn xây dựng trong nước tiếp tục giảm
Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL), sang tuần thứ ba của tháng 3 năm 2024, các nhà sản xuất thông báo giảm giá thép cuộn xây dựng thêm 200.000 đồng/tấn. Đây là lần thứ 2 các nhà máy thông báo giảm giá thép cuộn trong năm nay, tổng mức giảm giá mặt hàng này tính đến nay là 400.000 đồng/tấn.
Sau khi giảm, tùy theo thương hiệu, giá giao dịch thực tế thép cuộn tại thị trường Miền Bắc hiện dao động từ 13,8 - 14,25 triệu đồng/tấn, Miền Trung từ 14 - 14,65 triệu đồng/tấn, Miền Nam từ 13,9 - 14,5 triệu đồng/tấn (giá bán tại nhà máy, thanh toán ngay, đã trừ chiết khấu, hỗ trợ, chưa VAT).
Trong đợt điều chỉnh này, giá thép thanh vằn tạm thời được giữ ổn định, giá giao dịch thực tế thép thanh vằn CB300 tại thị trường Miền Bắc hiện dao động từ 14,1 - 14,45 triệu đồng/tấn, Miền Trung từ 14,18 - 14,85 triệu đồng/tấn, Miền Nam từ 14,15 - 14,75 triệu đồng/tấn (giá bán tại nhà máy, thanh toán ngay, đã trừ chiết khấu, hỗ trợ, chưa VAT).
Trên thị trường nguyên liệu, giá chào phôi thép nội địa đầu tuần này đã giảm thêm từ 200.000 - 250.000 đồng/tấn so với tuần trước; giá chào phôi trung tần xuất xưởng tùy theo khu vực phổ biến từ 11,85 - 12 triệu đồng/tấn, giá chưa VAT, thanh toán ngay, giao tại kho bên bán. Một số người tham gia thị trường cho biết, giá bán phôi thép nội địa hiện nay đã thấp hơn cả mức giá đáy họ giao dịch trong năm 2023.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng mức giảm giá trong tháng 3 của phôi thép trên thị trường nội địa vào khoảng 900.000 đồng/tấn. Nếu tính từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho tới nay, giá phôi thép nội địa đã giảm từ 1,15 - 1,20 triệu đồng/tấn.
Giá phôi thép giảm do giá thép phế giảm cũng như sức tiêu thụ của thị trường thép thành phẩm tương đối chậm đã gây sức ép lên thị trường phôi thép trong nước.
Ngay đầu tuần thứ ba của tháng 3, một số nhà máy thép tiếp tục thông báo điều chỉnh giảm giá thu mua thép phế nội từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn. Tính chung từ đầu tháng 3 cho tới nay, tùy theo khu vực, giá thép phế nội địa khu vực miền Bắc giảm từ 550.000 - 900.000 đồng/tấn, khu vực miền Nam giảm từ 450.000 - 600.000 đồng/tấn.
Tham khảo giá thép phế loại 1 ngày 19/3, khu vực miền Bắc giá dao động phổ biến từ 9 - 9,3 triệu đồng/tấn, miền Nam dao động từ 8,5 - 8,8 triệu đồng/tấn, giá chưa bao gồm VAT và giao tại kho bên mua.
Các nhà sản xuất trong nước hiện nay không mặn mà với phế liệu nhập khẩu do tình hình thị trường nội địa đang suy giảm và một lượng lớn thép phế đã được nhập khẩu vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2024.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá thép và giá quặng sắt hôm nay ngày 21/3/2024 trên thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/3, trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), giá thanh cốt thép giao kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 25 NDT/tấn (tăng 0,71%), lên mức 3.570 NDT/tấn (495,88 USD/tấn).
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 30 NDT/tấn (tăng 0,80%), lên mức 3.791 NDT/tấn (526,58 USD/tấn).
Trên thị trường nguyên liệu, giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn Giao dịch Hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) tiếp tục tăng phiên thứ ba liên tiếp. Tâm lý thị trường đang được hỗ trợ nhờ kỳ vọng các nhà máy thép tại Trung Quốc sẽ tăng công suất hoạt động trở lại.
Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 5/2024 trên sàn DCE tăng 1,23%, lên mức 823,5 NDT/tấn (114,39 USD)/tấn.
Theo hãng chứng khoán Chaos Ternary Futures, sản lượng kim loại nóng tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên trong tuần này. Đồng thời, việc giá quặng sắt giảm sâu trong thời gian vừa qua đã giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của hoạt động sản xuất thép.
Tuy nhiên, trên Sàn Giao dịch Hàng hoá Singapore (SGX), giá quặng sắt giao tháng 4/2024 giảm 0,86%, xuống mức 105,72 USD/tấn do giới đầu tư vẫn lo ngại về khả năng phục hồi của quặng sắt thời gian tới.