Giá thép hôm nay 5/9: Ngành thép Việt Nam đối mặt thách thức từ Cơ chế CBAM

Giá thép hôm nay 5/9 tại thị trường trong nước tiếp tục đi ngang. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép sang thị trường EU đang đối mặt với nhiều thách thức khi cơ chế CBAM sắp có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 1/10/2023.

Giá thép hôm nay ngày 5/9/2023 tại miền Bắc

Giá thép hôm nay tại miền Bắc Tạp chí Công Thương
Tham khảo giá thép hôm nay ngày 5/9/2023 tại miền Bắc. (Nguồn: Steel Online)

Giá thép hôm nay tại miền Bắc ổn định so với ngày hôm qua. Cụ thể:

Giá thép Hoà Phát hôm nay, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.530 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.740 đồng/kg.

Giá thép Việt Ý, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.690 đồng/kg, với dòng thép cuộn CB240 vẫn duy trì ở mức 13.640 đồng/kg

Giá thép Việt Đức, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.890 đồng/kg, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.740/kg.

Giá thép Thái Nguyên, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.670 đồng/kg, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.820 đồng/kg.

Giá thép hôm nay ngày 5/9/2023 tại miền Trung

Giá thép hôm nay miền Trung Tạp chí Công Thương
Tham khảo giá thép hôm nay ngày 5/9/2023 tại miền Trung. (Nguồn: Steel Online)

Giá thép hôm nay tại miền Trung đi ngang. Cụ thể:

Giá thép Hoà Phát, kg với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.530 đồng/kg, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.740 đồng/kg.

Giá thép Việt Đức với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.140 đồng/kg, với dòng thép cuộn CB240 vẫn duy trì ở mức 14.040 đồng/kg.

Giá thép Pomina với thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.380 đồng/kg, với dòng thép cuộn CB240 vẫn ở mức 14.590 đồng/kg.

Giá thép hôm nay ngày 5/9/2023 tại miền Nam

Giá thép hôm nay tại miền Nam Tạp chí Công Thương
Tham khảo giá thép hôm nay ngày 5/9/2023 tại miền Nam. (Nguồn: Steel Online)

Giá thép hôm nay tại miền Nam cũng ổn định so với hôm qua. Cụ thể:

Giá thép Hòa Phát với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.530 đồng/kg, dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.790 đồng/kg.

Thép Việt Mỹ, với cả dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 cùng ở mức 13.500 đồng/kg.

Giá thép Pomina với thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.380 đồng/kg, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 vẫn duy trì ở mức 14.480 đồng/kg.

Thép Vinakyoei với dòng thép thép cuộn CB240 ở mức 14.820 đồng/kg, với dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 15.020 đồng/kg.

Lưu ý: Các bảng giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thép gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Thách thức của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với ngành thép Việt Nam

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước sở tại. Bốn nhóm hàng bao gồm: Sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế này. Trong đó, các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của bốn mặt hàng xuất khẩu này.

Cơ chế được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thí điểm từ tháng 10/2023, áp dụng ban đầu với các hàng hoá nhập khẩu, trong đó có ngành thép. Các doanh nghiệp xuất khẩu giai đoạn này chỉ phải khai báo mức phát thải.

Giai đoạn bắt buộc mua chứng chỉ phát thải CBAM và mở rộng ngành hàng sẽ bắt đầu từ sau năm 2026. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải (ETS) của EU, biểu thị bằng EUR/tấn CO2 thải ra. Nếu các doanh nghiệp thép Việt  không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh về mặt giá trị.

Theo ước tính của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), CBAM làm giảm trung bình GDP hàng năm của Việt Nam khoảng 100 triệu USD. Mặc dù so với quy mô tổng thể nền kinh tế, đạt khoảng hơn 400 tỷ USD, con số này không đáng kể. Tuy nhiên, cơ chế tương tự đang nhen nhóm tại nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Canada… sẽ tác động mang tính dài hạn cho cả nền kinh tế  .

Đây là thách thức, song cũng là động lực thúc đẩy ngành thép trong nước hướng tới sản xuất xanh. Hiện tại, đã có một số công ty dự tính giảm 50% lượng khí thải carbon bằng một số kỹ thuật tiên tiến, sản xuất thép bằng Hydro (H2). Đây là xu hướng tất yếu về dài hạn và phù hợp với mục tiêu Net zero của Chính phủ.

Xanh hoá ngành thép là xu hướng tất yếu, dù có nhiều thử thách với chi phí vốn lớn đối với các doanh nghiệp, nhưng thép xanh được nhận định sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tiến sâu vào các thị trường xuất khẩu tiềm năng khi nhu cầu quay trở lại.

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thép Việt đã liên tục mở rộng thị phần xuất khẩu sang EU. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết tháng 6/2020, xuất khẩu thép sang thị trường EU chỉ chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thép, con số này sau hai năm đã tăng lên 20,51%, tương ứng mức tăng hơn 6 lần.

Trong 4 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành thép, EU là thị trường có mức tăng “khủng” cả về khối lượng lẫn trị giá. Và khoảng một năm sau khi EVFTA có hiệu lực, vào tháng 11/2021, lần đầu tiên thép lọt top các mặt hàng có giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,36 triệu tấn thép sang châu Âu, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 21% tổng cơ cấu xuất khẩu thép.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam cho biết: “So với giai đoạn 2019 – 2020 khi thị phần xuất khẩu sang EU chỉ chiếm khoảng 3% đến 6%, ngành thép Việt Nam đã có bước đột phá lớn trong việc chinh phục các thị trường tiêu chuẩn cao. Xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ phần nào cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã chuẩn hóa sản xuất, tận dụng tốt cơ hội cạnh tranh về giá và các ưu đãi thuế quan EVFTA. Tuy nhiên, với tham vọng tiên phong trong hoạt động giảm lượng khí thải nhà kính, thị trường EU dưới cơ chế CBAM sẽ đặt ra thách thức lớn hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam.”

Giá thép HRC và giá quặng sắt hôm nay ngày 5/9/2023 trên thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/9, trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), giá thép thanh vằn giao tháng 10/2023 tăng 19 NDT/tấn, lên mức 3.776 NDT/tấn (519,57 USD/tấn). Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 22 NDT/tấn, lên mức 3.978 NDT/tấn (547,36 USD/tấn).

Kỳ vọng lạc quan trong mùa cao điểm và những thông tin vĩ mô tích cực gần đây đã thúc đẩy giá thép HRC của Trung Quốc. Nhu cầu hạ nguồn tại Trung Quốc được nhận định sẽ dần tăng lên; giá HRC trong ngắn hạn dự kiến ​​sẽ có xu hướng phục hồi.  

Trên thị trường nguyên liệu, giá quặng sắt thế giới tăng do các nhà đầu tư lạc quan về các chính sách hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 1/2024 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE, Trung Quốc) đạt 844,5 NTD/tấn (116,20 USD/tấn).

Trên Sàn Giao dịch Hàng hoá Singapore (SGX), quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2023, tăng 0,6%, đạt 114,66 USD/tấn - mức cao nhất kể từ đầu tháng 4/2023.

Theo các nhà phân tích, hầu hết các nhà máy thép Trung Quốc đang duy trì sản xuất bình thường để có thể tiếp tục tạo ra dòng tiền và lợi nhuận. Điều này đang hỗ trợ nhu cầu sử dụng quặng sắt.

Trong khi đó, một số báo cáo gần nhất cho thấy doanh số bán nhà đã tăng vọt ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc vào cuối tuần trước, sau khi các quy định thế chấp bất động sản tại nước này được nới lỏng. 

Tường Vy