Giá tiêu hôm nay 10/6: Vượt đỉnh 8 năm, Brazil mất mùa tiêu tiếp thêm động lực tăng giá

Giá tiêu hôm nay tại các địa phương trong nước đã vượt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Đáng chú ý, việc suy giảm nguồn cung tiêu từ Brazil đang buộc doanh nghiệp phải tăng cường tìm mua nguồn tiêu trong nước và từ các nước khác.

Giá tiêu hôm nay ngày 10/6/2024 tại thị trường trong nước

Giá tiêu hôm nay Tạp chí Công Thương
Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 10/6/2024 tại thị trường trong nước. (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Trong sáng nay, đà tăng của giá tiêu trên thị trường trong nước vẫn chưa có dấu hiệu ngừng khi giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng thêm từ 3.000 - 6.000 đồng/kg, thiết lập những mức cao kỷ lục mới. Hiện mức giá tiêu trung bình trên cả nước đã ở quanh mốc 166.600 đồng/kg.

Cụ thể, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk tăng 6.000 đồng/kg, đạt 168.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai tăng 5.000 đồng/kg, đạt 166.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông tăng 6.000 đồng/kg, đạt 168.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, và Đồng Nai cùng tăng thêm 3.000 đồng/kg, đạt 165.000 đồng/kg.

Còn tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay tăng 5.000 đồng/kg, đạt 166.000 đồng/kg.

Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hồ tiêu gần nhất để được tư vấn cụ thể.

Tính chung cả tuần trước, giá tiêu trong nước đã tăng thêm đến 24.000 đồng/kg, xác lập tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, giá tiêu trong nước hiện đã tăng gấp đôi so với đầu năm nay và hơn 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là vùng giá cao nhất 8 năm trở lại đây.

Trên thị trường quốc tế, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cũng điều chỉnh tăng từ 17% - 30% giá tiêu các loại của Việt Nam trong tuần trước, đẩy giá lên mức cao kỷ lục nhiều năm trở lại đây.

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm cà phê và cây gia vị Việt Nam diễn ra hồi tháng 4/2024, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, một trong những nguyên chính thúc đẩy giá hồ tiêu tăng trong thời gian qua là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới.

Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết El Nino gây hạn hán.

Cụ thể, VPSA đánh giá sản lượng hồ tiêu năm nay của Việt Nam ước tính giảm 10% so với niên vụ trước, còn khoảng 170.000 tấn - mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong khi lượng tồn kho từ năm 2023 chuyển sang năm 2024 cũng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Còn tại Brazil, một số dự báo cho thấy sản lượng của nước này có thể giảm 18 – 23%, xuống còn 85.000 - 90.000 tấn so với năm 2023.

Tính đến hết tháng 5 Việt Nam đã xuất khẩu 114.424 tấn hồ tiêu, tương đương gần 70% sản lượng của niên vụ hiện tại. Điều này khiến nguồn cung ngày càng thu hẹp, lượng tiêu dành cho xuất khẩu không còn nhiều trong khi mùa thu hoạch năm 2025 vẫn còn 8 tháng nữa mới đến.

Để giải quyết việc thiếu nguồn cung trong nước này, các doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu tiêu từ các nước khác để chế biến. Tuy nhiên, việc mua nguyên liệu từ nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn do giá tiêu thế giới tăng cao và sản lượng toàn cầu giảm do thời tiết bất lợi.

Theo số liệu của VPSA, Việt Nam đã nhập khẩu 16.052 tấn hồ tiêu các loại trong 5 tháng đầu năm, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Brazil là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 7.106 tấn, chiếm 44,3% tuy nhiên so cùng kỳ 2023 giảm 7,5%. Campuchia đứng thứ 2 đạt 5.675 tấn, chiếm 35,4% thị phần và tăng 170,1% so với cùng kỳ năm trước.

Giá tiêu Brazil tăng cao và có nhiều thời điểm vượt giá bán của Việt Nam trên thị trường thế giới, điều này khiến cho việc nhập khẩu nguyên liệu từ quốc gia Nam Mỹ này đang có chiều hướng giảm.

Dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, giá tiêu đen  ASTA 570 của Brazil đang được giao dịch ở mức 6.800 USD/tấn, tăng gấp 2 lần so với đầu năm nay.

Tình trạng này càng khiến giá tiêu trong nước tăng mạnh. Bên cạnh yếu tố cung cầu, việc giá tăng nhanh đã khuyến khích hoạt động đầu cơ của các đại lý, nhà xuất khẩu và nông dân tại thị trường trong nước cũng khiến thị trường trở nên “nóng” hơn.

Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá tiêu hôm nay ngày 10/6/2024 tại thị trường thế giới

Giá tiêu hôm nay Tạp chí Công Thương
(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), trong ngày 7/6 (theo giờ địa phương), giá tiêu các loại của Indonesia được điều chỉnh tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Đồng thời, giá tiêu đen của Brazil được điều chỉnh tăng mạnh.

Cụ thể, giá tiêu đen Lampung của Indonesia tăng 0,37% đạt 5.635 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng tăng 0,38% đạt 7.425 USD/tấn.

Giá tiêu đen  ASTA 570 của Brazil tăng 13,23% lên mức 7.700 USD/tấn.

Giá tiêu Kuching ASTA của Malaysia ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA giữ ở mức 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.500 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.700 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu trắng đạt 9.500 USD/tấn.

Tường Vy