Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay tại các thị trường trọng điểm trong nước ổn định so với ngày cuối tuần qua.
Cụ thể, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hiện dao động ở mức 66.600 – 67.500 đồng/kg. Tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 67.500 đồng/kg và tại tỉnh Gia Lai ở mức 66.500 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu dao động quanh mức 67.500 – 70.000 đồng/kg. Theo đó, tại tỉnh Bình Phước, giá thu mua tiêu đạt 69.000 đồng/kg. tại Đồng Nai là 67.500 đồng/kg và tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 70.000 đồng/kg.
Liên quan đến thị trường tiêu, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018 về thương mại biên giới, theo hướng hạn chế phương thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch).
Theo đó, xuất khẩu tiểu ngạch sẽ bị hạn chế số lần và số tiền được miễn thuế theo hình thức trao đổi cư dân, vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc với hàng hoá xuất khẩu tiểu ngạch sẽ được nâng cao kể từ năm 2025. Đến 2027, tạm dừng xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu, lối mở chưa đạt thoả thuận song phương về trao đổi, mua bán hàng hoá qua biên giới. Đến 2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo thoả thuận hiện tại, những lô hàng dưới 8.000 NDT khi nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ không bị tính thuế. Do đó, các thương nhân Trung Quốc lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng để không phải đóng thuế. Nếu để lô hàng lớn, sau khi đóng thuế thì giá sẽ cao hơn nhiều so với việc nhập khẩu chính ngạch.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), nếu Nghị định này được thực thi sớm thì sẽ tác động tốt đến sự phát triển của ngành hàng hồ tiêu, gia vị Việt Nam. Thương lái Trung Quốc sẽ không chia nhỏ lô hàng nữa mà phải mua chính ngạch, cạnh tranh với các doanh nghiệp chính thống Việt Nam. Lúc đó, các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu chính ngạch sẽ được hưởng lợi. Việc mua bán cũng trở nên minh bạch hơn, không còn tình trạng tắc nghẽn cửa khẩu do bạn hàng đột ngột dừng mua, hay huỷ ngang hợp đồng.
Theo dõi thông tin thị trường tiêu trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu chính ngạch đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng yêu cầu khắt khe từ phía Trung Quốc bởi đây không còn là thị trường dễ tính như trước đây.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết các doanh nghiệp hiện cũng đang chuyển dần sang hình thức xuất khẩu chính ngạch. Để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần phải có mã số vùng trồng được đăng ký với sở nông nghiệp các địa phương cấp. Đồng thời vùng trồng đạt được chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP, ASEANGAP) hoặc chứng nhận tương đương được Việt Nam và quốc tế công nhận.
Trên thị trường thế giới, theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6 giá tiêu ổn định.
Theo đó, giá tiêu đen Lampung tại Indonesia giữ mức 3.734 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này ở mức 6.167 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này vẫn có giá 7.300 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn.
Còn tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 và 550 g/l lần lượt ở mức 3.500 và 3.600 USD/tấn. Giá tiêu trắng xuất khẩu ở mức 5.000 USD/tấn.