Giá tiêu hôm nay ngày 8/8/2023 tại thị trường trong nước
Sau chuỗi tăng ấn tượng 6 ngày liên tiếp trong tuần trước, thị trường tiêu có dấu hiệu chững lại. Giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg tại khu vực Đông Nam Bộ; trong khi đó, giá thu mua tiêu tại khu vực Tây Nguyên được giữ ổn định.
Theo đó, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 71.000 – 72.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk và Đắk Nông cùng ở mức 72.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Gia Lai ở mức 71.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại khu vực Đông Nam Bộ dao động trong khoảng từ 71.000 – 74.00 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai ở mức 71.000 đồng/kg và tại Bình Phước ở mức 73.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu ở mức 74.000 đồng/kg, vẫn ở mức cao nhất cả nước.
Tính chung trong tuần qua, thị trường tiêu trong nước đã có 6 ngày tăng liên tiếp, với mức tăng từ 3.500 – 4.000 đồng/kg. Động lực tăng chủ yếu đến từ việc mưa lũ kéo dài khiến nhiều vườn tiêu ở Tây Nguyên ngập nước gây mối lo năng suất suy giảm cho vụ thu hoạch năm sau. Điều này đã hỗ trợ giá tiêu tăng liên tiếp trong tuần qua.
Các chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, giá tiêu tiếp tục có chiều hướng tích cực trong tuần này, tuy nhiên sẽ khó có đợt tăng liên tiếp 6 ngày như tuần đầu tháng 8/2023.
Giá tiêu hôm nay ngày 8/8/2023 tại thị trường thế giới
Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này ngày 7/8, giá tiêu đen Lampung (Indonesia), tăng mạnh 9,01% (tăng 342 USD/tấn), lên mức 4.141 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 vẫn duy trì ở mức 2.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok cũng tăng 6,40% (tăng 411 USD/tấn), lên mức 6.830 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA đạt 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.100 USD/tấn.
Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Vụ thu hoạch tiêu ở Indonesia đang diễn ra và sản lượng dự kiến sẽ đạt đỉnh trong tháng này. Năm nay, sản lượng tiêu của Indonesia dự kiến sẽ tiếp tục giảm 15% so với năm 2022. Theo IPC, sản lượng tiêu của nước Indonesia trong năm 2022 đã giảm khoảng 22% so với năm 2021, xác lập mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Sự sụt giảm sản lượng trong năm nay có thể khiến thị phần hồ tiêu của Indonesia trên thế giới giảm từ 12% trong năm 2022 xuống còn 10% trong năm 2023.
Về xuất khẩu, theo số liệu của Cục Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), xuất khẩu tiêu của Indonesia trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 10.545 tấn, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc vươn lên trở thành nước nhập khẩu tiêu lớn nhất từ Indonesia với khối lượng đạt 1.958 tấn, tăng gần 10%. Ngược lại, xuất khẩu sang hai thị trường lớn tiếp theo là Việt Nam và Hoa Kỳ giảm lần lượt là 48,8% và 59%.