Cụ thể, khảo sát của chuyên trang thị trường vàng Kitco đối với 13 chuyên gia phân tích trên thị trường Wall Street cho thấy có đến 46% số chuyên gia được hỏi nhận định giá vàng thế giới sẽ tăng lên trong tuần này. Trong khi đó, số chuyên gia nhận định giá vàng sẽ giảm xuống chỉ chiếm 8%; 46% số chuyên gia còn lại cho rằng giá vàng sẽ đi ngang trong ngắn hạn.
Khảo sát trên thị trường Main Street đối với 1.039 nhà đầu tư cũng cho thấy có đến 53,6% số nhà đầu tư được hỏi giá vàng sẽ tăng lên trong các phiên giao dịch tới đây. Số nhà đầu tư dự báo giá vàng giảm chỉ chiếm 23,9%. Trong khi đó, 22,5% số nhà đầu tư còn lại cho rằng giá vàng sẽ không biến động nhiều trong tuần này.
Thị trường vàng thế giới sẽ tập trung theo dõi diễn biến điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong phiên họp diễn ra vào thứ Tư tuần này. Giới quan sát nhận định giá vàng hiện nay đã phản ánh kỳ vọng FED sẽ đẩy nhanh tiến trình thu hẹp quy mô gói kích thích kinh tế trong bối cảnh lạm phát của Hoa Kỳ ở mức cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 tăng lên tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982. CPI trong tháng 11 cao hơn 0,8% so với tháng 10 vốn đã tăng 0,9% so với tháng trước đó.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường của Công ty môi giới hàng hóa Blue Line Futures (Hoa Kỳ), nhận định: "Tôi lạc quan về triển vọng giá vàng trong tuần này. Mọi người đều biết FED sẽ phản ứng như nào khi lạm phát gần như đã đạt đỉnh điểm. Kỳ vọng lạm phát sẽ bắt đầu giảm xuống, FED sẽ thắt chặt chính sách khi nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại. Thị trường sẽ chứng kiến lãi suất trái phiếu giảm xuống và chỉ số đo lường sự biến động của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác giảm. Vàng sẽ trở thành kênh đầu tư trú ẩn an toàn hơn”.
Cùng chung quan điểm, ông Adrian Day, Chủ tịch hãng tư vấn quản lý tài sản Adrian Day Asset Management (Hoa Kỳ), cho biết “Ngày càng nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng lạm phát là có thật và kéo dài hơn so với các nhận định ban đầu. Tương tự như FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang hụt hơi đáng kể trong việc chống lại lạm phát, điều mà họ vốn không tin là tồn tại trước đây”.