Tính đến đầu giờ sáng ngày 4/6, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.699,39 USD/Ounce. So với cùng thời điểm ngày 3/6, giá vàng thế giới giao ngay giảm khoảng 29 USD/Ounce.
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 8/2020 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.701,5 USD/Ounce, giảm 3,3 USD/Ounce trong phiên nhưng giảm tới 32 USD so với cùng thời điểm ngày 3/6.
Giá vàng hôm nay cao hơn khoảng 199 USD/Ounce so với đầu năm 2020. Quy theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới hiện có giá 47,42 triệu đồng/lượng. Chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 1,39 triệu đồng/lượng.
Giá vàng ngày 4/6 lao dốc chủ yếu do tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đối với triển vọng phục hồi kinh tế và những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế lên tới hàng trăm tỷ USD sẽ được chính phủ các nước triển khai. Chính tâm lý lạc quan này khiến nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào các tài sản rủi ro cao thay vì những tài sản bảo đảm như vàng.
Giới đầu tư đang đánh cược với một triển vọng tươi sáng hơn của các thị trường chứng khoán nhờ những nguồn tiền giá rẻ được bơm ra bởi ngân hàng trung ương các nước trên khắp thế giới. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tăng gần 200 điểm lên mức cao nhất trong 3 tháng. Phố Wall tiếp tục nối dài đà tăng, trong đó chỉ số tầm rộng S&P 500 đã bứt phá hơn 40% từ đáy tháng 3/2020.
Trước đó, để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tạo ra các chương trình để giữ cho thị trường tín dụng Mỹ hoạt động, bao gồm bơm thêm tiền cho thị trường vay ngắn hạn, mua trái phiếu kho bạc và các loại khác…. FED cũng đã cắt giảm lãi suất xuống 0 và cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết dù bảng cân đối kế toán của nó đã lên mức 7.100 tỷ USD.
Hiện Chính phủ Nhật Bản đang tranh luận về gói kích thích coronavirus thứ hai trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ công bố thêm khoảng 500 tỷ EUR mua trái phiếu. Hàn Quốc trong khi đó đề xuất ngân sách bổ sung lần ba gần 30 tỷ USD.
Kỳ vọng gia tăng các biện pháp kích thích toàn cầu kết hợp với sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế nhanh hơn đang đẩy các TTCK lên mức cao nhất trong 3 tháng và làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như vàng và đô la Mỹ.
Theo đó, báo cáo việc làm quốc gia ADP của Mỹ cho thấy số người mất việc trong tháng 5 chỉ ở mức 2,7 triệu người, thấp hơn rất nhiều so với dự báo khoảng gần 9 triệu trước đó. Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm và đã bứt phá hơn 40% kể từ đáy.
Mặc dù vàng quay đầu giảm nhưng nhiều chuyên gia dự báo đây là cơ hội mua vào và vàng có thể lên các đỉnh cao mới như: 2.000 hay 2.500 USD/ounce. Vàng tạm thời thiếu động lực do TTCK ấm lên trong ngắn hạn. Về dài hạn, thu nhập của các doanh nghiệp sẽ giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh và chứng khoán sẽ quay đầu đi xuống.
Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 3/6 đa số các cửa hàng vàng giảm giá vàng 9999 khoảng 50-150 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 3/6, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 48,48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,66 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 48,48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,85 triệu đồng/lượng (bán ra).