Giá vàng về sát mốc 56 triệu đồng/lượng, vàng thế giới tiếp tục điều chỉnh

Giá vàng trong nước sáng nay đã về sát mốc 56 triệu đồng/lượng trong khi đó giá vàng thế giới tiếp tục điều chỉnh quanh ngưỡng 1.926 USD/lượng, sát ngưỡng hỗ trợ 1.912 USD/ounce. Thị trường hiện tập trung quan sát diễn biến phiên họp chính sách điều hành tiền tệ của Châu Âu.
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tiếp tục điều chỉnh trong tuần này (Ảnh: deccanchronicle.com)

Mở cửa sáng nay, giá vàng trong nước hiện đã về sát mốc 56 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua và giá bán ở khoảng 750.000 đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng miếng SJC được Công ty Bảo tín Minh Châu niêm yết ở mức 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 55,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,40 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, giá vàng thương hiệu Rồng vàng Thăng Long niêm yết ở 53,46 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,11 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng thế giới hiện ở quanh mức 1.926,7 USD/ounce, tăng 16,6 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo tỷ giá USD được niêm yết bởi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá vàng thế giới tương đương 54,01 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 2.400.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới vẫn giữ xu hướng về gần với ngưỡng 1.900 USD/ounce. Giới phân tích nhận định sau khoảng thời gian tăng dài, giá vàng thế giới có khả năng sẽ điều chỉnh sâu hơn trước khi lấy lại đà tăng. Giá vàng giảm còn do tác động từ các thị trường tài chính khác như giá dầu thô hiện giảm mạnh chạm ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 6/2020 đến nay; chỉ số USD tăng cao và mức lợi tức của trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ 10 năm giao dịch quanh mức 0,685%. Hiện giá vàng đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.940 USD/ounce và hiện đang được hỗ trợ ở ngưỡng 1.912 USD/ounce.

Giới đầu tư đang tập trung quan sát diễn biến cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào ngày mai 10/9. Mọi quyết định của ECB về chính sách tiền tệ sẽ tác động trực tiếp đến diễn biến đồng EUR, qua đó tác động đến đồng USD và giá vàng. Chuyên gia phân tích Craig Erlam thuộc OANDA nhận định “Nếu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) không có động thái mới nào về chính sách tiền tệ và ECB mở rộng gói kích thích kinh tế thì tính theo đồng USD, giá vàng sẽ chịu tác động tiêu cực”.

Về dài hạn, giới chuyên gia kinh tế nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tung ra hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế nhằm đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 cũng như các căng thẳng kinh tế - chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa lần nữa phát biểu về khả năng phân tách kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dự báo lạm phát sẽ tăng lên, lợi suất trái phiếu thực tế giảm xuống sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của giá vàng trong dài hạn. Việc FED định hướng duy trì lạm phát ở mức 2% và giữ lãi suất ở mức thấp sẽ tạo lực hỗ trợ giá vàng trong dài hạn.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây cũng sẽ tác động đến giá vàng trong giai đoạn cuối năm. Do đó, một số chuyên gia phân tích đánh giá bất kỳ sự sụt  giảm nào của giá vàng trong thời gian này cũng được đánh giá là cơ hội để mua vào.

Quang Đặng