Trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá xăng dầu thế giới đã chịu áp lực giảm, chủ yếu do giới đầu tư tiến hành chốt lời sau đợt tăng giá mạnh; đồng thời, đồng USD tăng giá trở lại trên thị trường tiền tệ khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên kém hấp dẫn hơn.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giảm 1,8% xuống còn 79,87 USD/thùng; và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 1,9% xuống mức 75,42 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index - đo lường sức mạnh của đồng USD sau khi rơi xuống mức đáy 15 tháng đã bật tăng trở lại. Điều này khiến giá xăng dầu các loại trở nên “đắt đỏ” hơn đối với nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác, giảm sức hấp dẫn của thị trường năng lượng.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm sau khi một số giếng dầu tại Libya đã hoạt động trở lại, giảm bớt các lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 2%, xác lập tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp. Một số chuyên gia phân tích nhận định giá dầu thô có thể tiếp tục tăng trong tuần sau nhờ tình hình lạm phát tại Hoa Kỳ đã giảm nhiệt, Chính phủ Hoa Kỳ lên kế hoạch thu mua dầu để bổ sung kho dự trữ chiến lược, và nguy cơ đứt gãy nguồn cung trong ngắn hạn tại một số quốc gia vẫn hiện hữu.
Giới đầu tư hiện tập trung quan sát diễn biến tại Libya và Nigeria để đánh giá các rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu thô trong ngắn hạn tại hai quốc gia này. Theo hãng môi giới giao dịch dầu thô hàng đầu thế giới PVM, việc các giếng dầu tại Libya buộc phải ngưng hoạt động vì tình trạng bao động tăng cao sẽ khiến nguồn cung dầu thô của nước này giảm khoảng 370.000 thùng/ngày. Trong khi đó, sự cố tại cảng dầu Forcados của Nigeria sẽ khiến sản lượng xuất khẩu dầu của nước này giảm 225.000 thùng/ngày.
Như vậy, tổng sản lượng xuất khẩu dầu của Libya và Nigeria có thể giảm lên tới gần 0,6 triệu thùng dầu/ngày tương đương 0,6% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Trong khi đó, ngân hàng Commerzbank (Đức) vừa cho biết sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga trong thời gian qua đã giảm rõ rệt và xu hướng này sẽ tăng dần lên trong thời gian tới. Nga hiện đặt mục tiêu sẽ giảm sản lượng xuất khẩu thêm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 tới đây. Điều này sẽ khiến nguồn cung nhiên liệu trên toàn cầu bị thắt chặt hơn trong nửa cuối năm nay, tạo điều kiện thúc đẩy giá xăng dầu các loại tăng lên.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu đã được điều chỉnh vào đầu tuần này (ngày 11/7). Ở kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng dao động không đáng kể, giá dầu neo theo giá thế giới.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 51 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.419 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 69 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.497 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S tăng 447 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.616 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 394 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.320 đồng/lít; và giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 665 đồng/kg, ở mức không cao hơn 15.288 đồng/kg.