Giá xăng dầu thế giới trong phiên giao dịch cuối tuần này đã tăng nhẹ khi dữ liệu cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ đã có dấu hiệu chậm lại; đồng thời nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang ở mức tốt.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,8% lên 74,90 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng tới 1,1%, đạt 70,64 USD/thùng.
Giá dầu thô được nâng đỡ khi dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy bất chấp việc nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu, nhu cầu sử dụng xăng dầu tại nước này trong tháng 4/2023 chỉ giảm nhẹ, xuống mức 20,4 triệu thùng/ngày, và nhu cầu sử dụng theo mùa vẫn đang ở mức tốt.
Đồng thời, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Hoa Kỳ trong tháng 5/2023 chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 4,3% của tháng 4/2023.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô đã bị kìm hãm phần nào khi các dữ liệu cho thấy chỉ số PCE lõi (đã loại trừ giá lương thực và giá năng lượng) trong tháng 5/2023 tại Hoa Kỳ đã tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần như không thay đổi so với mức tăng 4,7% trong tháng 4/2023. Điều này cho thấy lạm phát vẫn còn dai dẳng ở nhiều khu vực của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông John Kilduff, cộng sự của quỹ đầu tư Again Capital LLC (Hoa Kỳ), nhận định tình trạng lạm phát dai dẳng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục tăng lãi suất. FED đã cho biết có thể tăng lãi suất thêm 2 lần trong nửa cuối năm nay với mức tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm/lần.
Tính chung quý 2/2023, giá dầu thô Brent và WTI đã lần lượt giảm 6% và 6,5%, xác lập quý giảm giá thứ 4 liên tiếp.
Kể từ nửa cuối năm ngoái đến nay, giá xăng dầu thế giới liên tiếp chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại các hoạt động kinh tế trên toàn cầu yếu đi khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống. Lạm phát có dấu hiệu neo cao dai dẳng đang buộc các ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất, khiến rủi ro suy thoái kinh tế tăng cao. Đồng thời, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng cũng tác động tiêu cực đến triển vọng giá xăng dầu thế giới.
Hiện thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến cung - cầu nhiên liệu trên toàn cầu khi Saudi Arabia sẽ giảm 10% sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 7 này. Quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới cho biết có thể kéo dài việc giảm sản lượng nếu “cần thiết”.
Một số nhà phân tích cho rằng giá xăng dầu thế giới hiện đã lập đáy quanh vùng giá hiện tại trong bối cảnh các quốc gia khai thác dầu thô lơn cắt giảm mạnh sản lượng khai thác để cân bằng với tình trạng suy giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Ngân hàng HSBC (Anh) nhận định giá dầu thô sẽ được giữ ở dưới mức 80 USD/thùng trong mùa Hè này. Tuy nhiên, việc thị trường được dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 2,3 triệu thùng dầu/ngày trong nửa cuối năm nay có thể sẽ thúc đẩy giá xăng dầu tăng lên trong một số thời điểm nhất định.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu Việt Nam được giữ ổn định trong suốt 10 ngày vừa qua. Trong kỳ điều hành ngày mai 3/7, theo tính toán, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh giảm nhẹ theo diễn biến giá xăng dầu nhập khẩu nếu như cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 21/6), liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã giữ nguyên giá xăng, còn giá dầu tăng nhẹ.