Tính chung cả tuần này, giá xăng dầu thế giới đã tăng lên, xác lập tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp, khi các dữ liệu mới cho thấy nguồn cung nhiên liệu trên toàn cầu sẽ giảm xuống trong những tháng tới đây. Đồng thời, gia tăng xung đột quân sự Nga – Ukraine có thể khiến nguồn cung nhiên liệu giảm xuống sâu hơn nữa.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent tăng 1,8% lên mức 81,07 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng 1,9% lên 77,07 USD/thùng. Tính chung cả tuần vừa qua, giá dầu thô Brent đã tăng 1,2% và giá dầu thô WTI tăng 2%.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) nhận định sản lượng khai thác dầu đá phiến và khí tự nhiên của Hoa Kỳ có thể sẽ giảm xuống kể từ tháng 8 tới đây. Đây sẽ là lần đầu tiên sản lượng dầu của Hoa Kỳ giảm xuống trong năm nay.
Dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại nước này hiện chỉ còn 530 giàn – mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022; qua đó, cho thấy sản lượng khai thác dầu trong những tháng tới của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống.
Bên cạnh đó, ông Suhail al-Mazrouei - Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất cho biết 23 quốc gia thành viên liên minh OPEC+ hiện đã có đủ các hành động để hỗ trợ thị trường dầu mỏ và sẵn sàng thực thi thêm các biện pháp cần thiết.
Trước đó, liên minh OPEC+ đã quyết định kéo dài thời gian giảm sản lượng khai thác đến tận cuối năm 2024, thay vì cuối năm nay như kế hoạch ban đầu nhằm ngăn giá dầu thô giảm xuống sâu hơn. Đồng thời, một số quốc gia thành viên chủ chốt của OPEC+ như Saudi Arabia và Nga đã tự nguyện giảm thêm sản lượng khai thác.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số kế hoạch nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xe ô tô và đồ điện tử tại nước này trong thời gian tới. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy giá xăng dầu thế giới tiếp tục đi lên.
Xung đột quân sự Nga – Ukraine gia tăng những ngày gần đây khi Nga tăng cường tập kích Odessa - thành phố cảng lớn nhất Ukraine và là cửa ngõ chiến lược trên khu vực Biển Đen khiến thị trường lo ngại nguồn cung nhiên liệu từ Nga có thể sẽ giảm xuống sâu hơn trong thời gian tới, góp phần củng cố đà tăng của giá xăng dầu các loại.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu cũng vừa được điều chỉnh trong kỳ điều hành ngày 21/7 theo diễn biến thị trường thế giới. Trong đó, giá xăng tăng từ 1.200 đồng/lít; các mặt hàng dầu cũng đồng loạt đắt thêm 440 tới 890 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.