Giá xăng dầu tiếp tục xu hướng giảm: Vì sao giới đầu cơ bực bội?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8/2024, giá xăng dầu vẫn tiếp tục đi xuống với 4 phiên giao dịch giảm liên tiếp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8/2024, giá xăng dầu vẫn tiếp tục đi xuống với 4 phiên giao dịch giảm liên tiếp. Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm 1,15 USD, tương đương 1,49%, xuống mức 76,05 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 1,24 USD, tương đương 1,69%, xuống mức 71,93 USD/thùng.

Đây được ghi nhận là lần giảm liên tục kéo dài nhất của giá dầu thế giới kể từ đầu năm 2024 và là mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. 

Nếu so sánh với mốc cao nhất là 91 USD/thùng vào tháng 03/2024 với thời điểm hiện tại thì giá giao dịch dầu Brent đã lao dốc hơn 22%. Diễn biến này hoàn toàn trái với nhiều dự đoán của giới phân tích khi đánh giá thị trường dầu mỏ sẽ rất căng thẳng trong nửa cuối năm 2024.

"Lá bài" xung đột địa chính trị mất linh nghiệm?

Thực tế, với nhiều bất ổn của kinh tế toàn cầu, yếu tố căng thẳng, xung đột địa chính trị vẫn được giới đầu cơ sử dụng như một lá bài trên thị trường giao dịch dầu mỏ từ đầu năm 2024 đến nay. Trong đó, bên cạnh xung đột Nga-Ukraine, nhiều phân tích tập trung vào nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông do xung đột Israel và Hamas và mới nhất là Israel và Iran, Hezbollah.

Mặc dù kỳ vọng của các nước xuất khẩu cũng như giới đầu cơ là trong một số thời điểm có thể đẩy giá xăng dầu lên xung quanh mốc 100 USD/thùng (nếu cao hơn thì càng tốt). Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến nay, khả năng hấp thu của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc năm nay lại có vấn đề. Ví dụ giá khí đốt thậm chí giảm kỷ lục vì bỗng nhiên mùa đông ấm ở cả EU và Bắc Mỹ. Đồng thời, lượng tồn kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ ở cả 2 khu vực này đều ở mức khá cao.

Vào trung tuần tháng 2/2024, lượng khí đốt tồn kho ở Mỹ lên mức 2,54 nghìn tỷ foot khối. Mức tồn trữ này cao hơn 11% so với trước đó 1 năm và cao hơn 16% so với mức bình quân 5 năm trở lại đây.

Tại châu Âu, giá khí đốt TTF, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt khu vực, đã giảm 22% trong năm nay, còn khoảng 25 euro/megawatt giờ, tương đương 7,9 USD/triệu BTU, bằng chưa đầy 1/10 so với mức đỉnh mùa hè năm 2022, thời điểm xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, dẫn đến cơn khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Một yếu tố khác cũng khiến cho không khí giao dịch dầu thô không quá ảm đạm là nền kinh tế Mỹ - bất chấp những khó khăn nội tại và chính sách điều hành lãi suất của Cục dự trữ liên bang (FED) vẫn "nhúc nhắc" trong quý I và tăng trưởng vượt xa dự báo trong quý II/2024.

Trong quý II/2024, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế nước này tăng 2,8% (đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ và lạm phát), vượt xa dự báo 2,1% do Dow Jones khảo sát, đồng thời cao hơn đáng kể so với mức tăng 1,4% của quý I. Cũng trong quý II/2024, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Mỹ tăng 2,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 3,4% của quý I. Đặc biệt, chỉ số PCE lõi, loại trừ thực phẩm và năng lượng, tăng 2,9%, giảm đáng kể từ mức 3,7% của quý I/22024. Điều này cho thấy áp lực lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần hạ nhiệt.

Với nền kinh tế Trung Quốc, sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2024 (5,3%), bước sang quý II chỉ còn tăng 4,7%, thấp hơn mức 5,1% được dự báo trước đó. Cần lưu ý, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với gần 24% thị phần.

Như vậy, cùng với bất ổn địa chính trị tại Trung Đông, những điểm sáng tích cực của 2 nền kinh tế đầu tàu thế giới đã góp phần "giữ ấm" cho thị trường giao dịch dầu thô. Bởi lẽ trong 6 tháng đầu năm, GDP của Liên minh châu Âu (EU) khá ảm đạm với mức tăng trưởng không đáng kể (quý I và II đều ở mức 0,3%).

Không khí giao dịch chỉ xáo động chút ít do những tuyên bố cứng rắn của các bên sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát tại Tehran (thủ đô Iran). Nhưng sau đó, thị trường dầu mỏ thế giới lại tiếp tục xu hướng giảm do những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hạ nhiệt "lò lửa" Trung Đông.

Đặc biệt, sự kỳ vọng về khả năng FED có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới và OPEC+ tăng sản lượng vào quý IV năm nay (với lý do nhu cầu toàn cầu sẽ tăng gấp đôi), giới chuyên gia đưa ra dự đoán giá giao dịch dầu Brent trong các tháng còn lại của năm 2024 sẽ dao động trong khoảng 80-85 USD/thùng.

Sự dè dặt này bắt nguồn từ các dự báo mới nhất về thị trường năng lượng toàn cầu gần đây, xung đột hạ nhiệt ở Trung Đồng, tiêu thụ dầu diesel ở châu Âu giảm và kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang có một số tín hiệu thiếu tích cực.

Thêm vào đó, IEA cũng dự báo rằng tổng đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch trong năm 2024 sẽ tăng gấp hai lần so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Từ các yếu tố kể trên, có thể thấy được nguyên nhân vì sao lá bài "xung đột địa chính trị" của giới đầu cơ không tạo ra những cơn sóng thần giá giao dịch dầu thô như năm 2022. Nhưng xét ở nhiều khía cạnh, điều này lại có lợi cho người tiêu dùng trong bối cảnh nhiều nền kinh tế vẫn còn ngụp lặn trong lạm phát và khủng hoảng hậu Covid-19.

giá xăng dầu
Diễn biến giá giao dịch dầu Brent và WTI trong các tháng gần đây

Cơ hội tốt để tăng nhập khẩu sản phẩm xăng dầu, kích thích sản xuất

Giá dầu mỏ tăng đương nhiên sẽ đem lại nguồn thu cho các nước xuất khẩu dầu mỏ. Chưa kể những dịch vụ đi kèm hoạt động khai thác cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân so sánh, những lợi ích này chưa chắc bù lại được những thiệt hại nếu giá dầu bị đẩy lên quá cao. Đặc biệt là đối với những quốc gia phải nhập khẩu phần lớn sản phẩm dầu mỏ như Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu bình quân giá dầu thô được giao dịch từ 95-100 USD/thùng (hoặc cao hơn) sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ đối với chi tiêu tiêu dùng. Nói đơn giản, thay vì 22.000 đồng/lít xăng người tiêu dùng sẽ phải chi đến 28-30.000 đồng/lít xăng (chi phí nhập khẩu 1 lít xăng RON đến tay người tiêu dùng là 820 đồng). Đồng thời, hoạt động xuất khẩu cũng sẽ rất khó khăn do cước vận tải nội địa và quốc tế cũng tăng tương ứng mức thế giới.

Năm 2023, Việt Nam chi hơn 8,3 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Như vậy, với việc giá dầu mỏ thế giới đang ở mức tương đối dễ chịu với bên mua như hiện nay, cần tận dụng cơ hội này để gia tăng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm; hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội của năm 2024.

Nhưng ở khía cạnh khác, giá giao dịch dầu thô hiện tại và triển vọng các tháng cuối năm 2024 cũng không hề xấu đối với các nước xuất khẩu với biên độ dao động trong khoảng 70-80 USD/thùng. Chính từ cơ sở này, đã có công ty chứng khoán đã đưa ra đánh giá về triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024 đối với một số mã chứng khoán thuộc nhóm phân khúc doanh nghiệp thượng nguồn và trung nguồn bao gồm trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu là: PVD, PVS, GAS, PVT.

Ngọc Nếp