Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) gần đây ra mắt laptop có tên Qingyun L450 đi kèm chip HiSilicon Kirin 9006C hoàn toàn mới với điểm nổi bật là sản xuất trên quy trình 5nm.
Với sự xuất hiện của HiSilicon Kirin 9006C mạnh mẽ hơn so với các chip Kirin trước đây, giới công nghệ đặt câu hỏi về việc làm thế nào để Huawei thoát khỏi lệnh cấm của Mỹ.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng công ty cuối cùng đã tìm ra cách vượt qua những hạn chế từ lệnh trừng phạt của Mỹ và sản xuất những con chip tiên tiến như vậy.
Thời điểm đó, phân tích của TechInsights cho thấy con chip của Mate 60 Pro chỉ chậm hơn vài năm so với những công nghệ tiên tiến nhất. Điều này được coi là một “kỳ tích” trong bối cảnh Trung Quốc bị Washington và phương Tây áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu. Sự việc cũng làm dấy lên các cuộc tranh luận tại Mỹ về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, trong lần kiểm tra mới nhất từ TechInsights đã chấm dứt mọi tin đồn. Theo đó, Kirin 9006C không phải là do SMIC, công ty sản xuất bán dẫn đứng sau bước đột phá chip 7nm gần đây do Huawei tạo ra, mà được sản xuất bởi TSMC đến từ Đài Loan.
Dựa trên phát hiện của mình, TechInsights cho biết Kirin 9006C có trong Qinguyn L450 thực ra không mới. Thay vào đó, nó dựa trên quy trình sản xuất rất cũ và kém chất lượng có từ Quý 3/2020. Điều này cho thấy Huawei đang sử dụng kho dự trữ 5nm cũ từ TSMC.
Điều đáng chú ý là vẫn có báo cáo về việc SMIC đang nghiên cứu tiến trình 5nm của mình để tạo ra chip Kirin nâng cao. Nhưng ở thời điểm hiện tại, quá trình này sẽ cần thêm thời gian.
Theo Bloomberg, không rõ Huawei đã xoay sở như thế nào để mua được bộ xử lý ba năm tuổi này, mặc dù công ty Trung Quốc đã tích trữ các bán dẫn quan trọng kể từ khi Mỹ bắt đầu cắt đứt nguồn cung cấp linh kiện và thiết bị của họ trên toàn cầu. Huawei đã nằm trong Danh sách Thực thể của Washington từ năm 2019, nhưng chỉ đến năm 2020, TSMC mới ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei để tuân thủ các hạn chế thương mại nghiêm ngặt hơn của Mỹ.