Kịch bản tăng trưởng kinh tế phụ thuộc thời điểm khống chế dịch
Theo Bộ KHĐT, trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I/2020, ước tính kim ngạch xuất khẩu trong quý đạt 53,9 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỉ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II thì ước tính quý II đạt kim ngạch xuất khẩu 58,5 tỉ USD, giảm 8,1%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 61 tỉ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Từ các ảnh hưởng nêu trên, Bộ KHĐT nhận định trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I thì tăng trưởng GDP cả năm dự báo là 6,25% giảm 0,55% so với mục tiêu của Chính phủ. Trong đó quý I, dự báo tăng trưởng đạt 4,52%; quý II tăng 6,08%.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% giảm 0,84% so với mục tiêu và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.
Bộ KHĐT cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 phụ thuộc rất nhiều vào khả năng khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 thành công sớm hay muộn.
Giải pháp hỗ trợ thiệt hại do dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Từ thực tế nêu trên, Bộ KHĐT đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch.
Bộ KHĐT đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Chính sách này cần được báo cáo ngay trong tháng 2/2020.
Ngoài ra, cần có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch. Các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu…
Cần có các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch…
Bộ KHĐT đề xuất có các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.
Về lâu dài, Bộ KHĐT đề xuất cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, một số NHTM cũng đã triển khai các hỗ trợ cụ thể. Ví dụ, Vietcombank vừa công bố các biện pháp hỗ trợ như: Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn.
Các đối tượng, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh được hỗ trợ thuộc các lĩnh vực sau: vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…). Các ngân hàng như VPBank, KienlongBank… cũng nỗ lực hạ lãi suất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị thiệt hại.
Với ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng ban hành quyết định công bố danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra. Các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu gồm: Khẩu trang y tế; nước rửa tay khô sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế (gồm vải không dệt, màng lọc kháng khuẩn, dây thun, thanh nẹp mũi); nước sát trùng; bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, mũ bảo hộ, giày, găng tay, khẩu trang y tế) và các vật tư y tế cần thiết khác.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đảm bảo việc nhập khẩu đúng mục đích miễn thuế.