Làm việc từ xa với chuyên gia
Các tháng cuối năm là thời điểm EPS thực hiện nhiều công trình sửa chữa lớn cho các nhà máy nhiệt điện trong và ngoài EVNGENCO 3. Hầu hết các công trình đều đòi hỏi nhân lực, công nghệ sửa chữa chuyên sâu, do đó thường phải có chuyên gia nhà chế tạo tư vấn kỹ thuật trực tiếp tại công trường.
Từ ngày 01/7, EPS đảm nhận thực hiện cùng lúc 4 công trình sửa chữa lớn tại Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 4, gồm trung tu tổ máy GT 41, ST 43 và 2 lò thu hồi nhiệt HRSG 41, 42. Việc sửa chữa này gồm 1200 hạng mục công việc, trong đó, trung tu tổ máy GT 41 là công trình đặc biệt gần giống như đại tu, vì phải tháo vỏ và mang rotor tuabin khí ra ngoài để thay thế, sửa chữa các tầng cánh động, cánh tĩnh máy nén. Thực hiện công tác này, đòi hỏi tay nghề chuyên môn kỹ thuật và tính chính xác rất cao, phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe theo quy định nhà chế tạo. Vì vậy bắt buộc phải có chuyên gia nhà chế tạo giám sát kỹ thuật trực tiếp tại công trường.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay từ khi lên phương án thực hiện trung tu tổ máy, nhận định chuyên gia của Tập đoàn GE (General Electric - Mỹ) có thể “tắc đường” sang Việt Nam, giải bài toán này, EPS đã triển khai một loạt các biện pháp. Cụ thể:
Huy động lực lượng nội binh: đối với nhân sự thực hiện công trình, Công ty EPS huy động đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm thực hiện đại tu các tổ máy công suất lớn từ 7 phân xưởng sửa chữa, tại Phú Mỹ, Vĩnh Tân, Mông Dương, Thái Bình về tập trung cho Nhà máy Phú Mỹ 4; chủ động phân công nhiệm vụ đảm nhiệm thay thế các vị trí chuyên gia tại công trường nhằm hỗ trợ đánh giá tại chỗ. Lực lượng C&I và Ca vận hành, Phòng kỹ thuật của Nhà máy chủ trì thực hiện công tác vận hành nghiệm thu, thử nghiệm. Bên cạnh đó, Tập đoàn GE cũng cử 01 đại diện tại Việt Nam bám sát tiến độ công trình, phối hợp chặt chẽ với đội ngũ kỹ sư EPS tại công trường để giải quyết nhanh các sự việc phát sinh.
Chuyên gia làm việc từ xa: Công ty triển khai biện pháp làm việc từ xa với chuyên gia GE dưới nhiều hình thức như chuyên gia tư vấn kỹ thuật thông qua việc theo dõi camera gắn tại công trường nhà máy; tổ chức các cuộc họp online kiểm tra chất lượng thi công hàng ngày với chuyên gia. “Cách thức làm việc từ xa với chuyên gia không gây ảnh hưởng nhiều đến tiến độ công trình, chỉ cần thống nhất giải pháp và trao đổi kỹ với chuyên gia về từng hạng mục thì vẫn đảm bảo hiệu quả công việc”, anh Lê Trọng Chương - Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa Cơ - Nhiệt Phú Mỹ, Công ty EPS cho biết.
Kết quả, sau 31 ngày làm việc 3 ca liên tục, công trình trung tu tại Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 4 đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ, các tổ máy đã được bàn giao cho A0 đưa vào khai thác, vận hành an toàn.
Phối hợp với chuyên gia ngay cả trong giai đoạn cách ly
Từ ngày 01/8/2020, thực hiện hợp đồng đã ký với Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty EPS sẽ đảm nhận các hạng mục đại tu tuabin, đại tu van hơi chính, đại tu thiết bị phụ cho tổ máy S3 (Công suất 300 MW).
Ngay khi có thông tin dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, Lãnh đạo Công ty EPS đã yêu cầu nhóm công tác thực hiện công trình tại NMĐ Quảng Ninh tuân thủ nghiêm các hướng dẫn về các biện pháp an toàn và đảm bảo sức khỏe, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Trong khi đó, các chuyên gia nước ngoài chưa thể có mặt tại công trường do đang thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định sau khi nhập cảnh vào Việt Nam. Trước tình hình này, Công ty EPS ưu tiên công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung và huy động tối đa nguồn nhân lực để thi công công trình theo kế hoạch, đồng thời quyết định phối hợp chuyên gia ngay cả trong thời gian cách ly. Theo đó, đội ngũ EPS và chuyên gia sẽ làm việc từ xa qua camera giám sát tại công trường, đồng thời tăng cường tương tác online để thống nhất các giải pháp, phương án thực hiện trong quá trình sửa chữa.
Hiện tại tiến độ của công trình cơ bản đáp ứng được kế hoạch đặt ra. Nhóm công tác đã thực hiện tháo và di chuyển thành công rotor turbine và đang trong giai đoạn kiểm tra đánh giá các chi tiết như vỏ turbine, rotor turbine, các bearing, van hơi chính, thiết bị phụ.
Ông Trương Văn Phương - Phó Giám đốc Công ty EPS cho biết: “Trước làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19, để đảm bảo các nhà máy cung ứng đủ điện trong giai đoạn dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, chúng tôi luôn trong tư thế chủ động, khẩn trương, kịp thời đưa ra các giải pháp để đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan dịch bệnh tại công trường nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng các công trình sửa chữa, nỗ lực đưa các tổ máy vào vận hành trở lại trong thời gian sớm nhất”.
Theo dự kiến, sau thời gian cách ly và thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia sẽ bắt tay cùng với EPS chuẩn bị cho công tác lắp lại rotor, cân chỉnh và vận hành thử nghiệm tổ máy trước khi bàn giao cho đơn vị phát điện. Công trình dự kiến kết thúc vào ngày 30/9 tới.