Giải pháp tối ưu công tác vận hành chạy thử thiết bị dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2

Phát huy tối đa tinh thần tập trung, lao động sáng tạo, Phòng Công nghệ thiết bị và Chuẩn bị sản xuất - Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 đã không ngừng đưa ra các giải pháp phù hợp với nguồn lực ở mỗi giai đoạn của dự án, quyết tâm đưa dự án về đích.

Với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện công tác quản lý, giám sát công tác thiết kế, chế tạo, lắp đặt, nghiệm thu chạy thử, thanh, quyết toán công trình và đồng thời xây dựng mô hình tổ chức, đào tạo xây dựng lực lượng vận hành, bảo dưỡng, tiếp quản nhà máy.

Trong những năm qua, Phòng Công nghệ thiết bị và Chuẩn bị sản xuất đã cơ bản hoàn thành xem xét và phê duyệt các tài liệu thiết kế làm cơ sở triển khai gia công chế tạo và thi công lắp đặt; đã hoàn thành công tác giám sát chế tạo và vận chuyển 104.000/118.000 (đạt 88,1%) tấn thiết bị về công trường an toàn; hoàn thành lắp đặt 102.000/118.000 (đạt 86,5%) tấn thiết bị của dự án, các thiết bị nhà máy chính cơ bản hoàn thành lắp đặt và chuẩn bị chạy thử.

Nhiệt điện Thái BÌnh
Kiểm tra turbine tổ máy số 1

Về chất lượng thiết bị qua các đợt kiểm tra đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Cục Giám định Nhà nước (Bộ Xây dựng) gần nhất vào tháng 5/2019 là: "Chất lượng thiết bị đạt yêu cầu và chưa có dấu hiệu xuống cấp”. Tuy nhiên, trong điều kiện hầu hết các thiết bị chính lắp đặt trong thời gian dài Tổng thầu/Nhà thầu phụ cần tiếp tục tăng cường công tác bảo dưỡng định kỳ thiết bị theo quy trình của nhà sản xuất, yêu cầu của hợp đồng để giảm thiểu rủi ro trong quá trình chạy thử.

Về các mốc tiến độ đã hoàn thành: Cơ bản hoàn thành lắp đặt các thiết bị chính của nhà máy (Lò hơi, Tuabin - Máy phát và các thiết bị phụ trợ, ESP, Điện - Điều khiển…); hoàn thành lắp đặt, thí nghiệm đóng điện Sân phân phối (SPP) 220kV và máy biến áp SAT nhận điện từ hệ thống điện quốc gia; hoàn thành lắp đặt 2 tuyến ống cung cấp nước ngọt dài 14,2 km và cấp nước về bể nước thô; hệ thống xử lý nước và nước thải đã hoàn thành lắp đặt và chạy thử ra nước khử khoáng đạt các thông số thiết kế; hoàn thành công tác tuyển dụng và đào tạo lý thuyết và thực hành cho các kỹ sư và công nhân vận hành nhà máy tại Vũng Tàu và Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1.

Nhận diện khó khăn, vướng mắc trong công tác chạy thử của dự án

Mặc dù công tác chạy thử đã đạt được một số mốc nêu trên, tuy nhiên trong điều kiện dự án vẫn còn khó khăn, tiến độ chạy thử mới chỉ đạt khoảng 12,6%, các công việc chạy thử quan trọng vẫn ở phía trước, hầu hết các thiết bị chính (Lò hơi, Tuabin, ICMS, MBA chính), thiết bị áp lực vẫn chưa được vận hành chạy thử.

Nhiệt điện Thái Bình
Toàn cảnh Sân phân phối 220kV - Dự án NMNĐ Thái Bình 2

Trong tình hình hiện nay, Phòng Công nghệ thiết bị và Chuẩn bị sản xuất cũng đã đánh giá, nhận diện các khó khăn ảnh hưởng đến công tác chạy thử đó là: nguồn lực (tài chính, con người) của Tổng thầu/Nhà thầu phụ sẽ tiếp tục gặp khó khăn; công tác mua sắm vật tư, thiết bị; thiết bị đã được lắp đặt, bảo quản trong thời gian dài chưa được vận hành. Quá trình thay thế, sửa chữa các vật tư thiết bị trong quá trình chạy thử chậm; việc lắp đặt hoàn thiện các hệ thống (vận chuyển than, kho than, bãi thải xỉ) chưa được đồng bộ, cần có giải pháp khắc phục; tranh chấp hợp đồng giữa Tổng thầu PVC với các nhà thầu phụ vẫn tồn tại như gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, bảo hành thiết bị; cơ chế thanh toán (trọn gói, điều chỉnh), vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng, vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn cần được hướng dẫn về cơ chế thực hiện của các cấp thẩm quyền; tình hình dịch Covid-19 tại các nước đang diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến kế hoạch huy động các chuyên gia nước ngoài.

Giải pháp đẩy nhanh công tác chạy thử của dự án

Để vượt qua các khó khăn trên nhằm đưa dự án về đích cần nhiều giải pháp đồng bộ về nhân lực, tài chính, cơ chế, quản lý tiến độ, quản lý đánh giá rủi ro. Phòng Công nghệ thiết bị và Chuẩn bị sản xuất đưa ra một số giải pháp cơ bản để đẩy nhanh công tác chạy thử của dự án: Củng cố, xây dựng lực lượng quản lý, giám sát, tham gia công tác chạy thử của dự án, đồng thời tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các đơn vị có kinh nghiệm trong ngành tham gia dự án. Công tác chạy thử trong nhà máy điện là công việc mang tính trí tuệ, kinh nghiệm và tính kỷ luật cao. Đây là nhiệm vụ then chốt và có vai trò quyết định sự thành công trong công tác chạy thử của dự án.

Cần tập trung xử lý các vướng mắc về vật tư, thiết bị các gói thầu cấp bách bao gồm: Kết cấu thép băng tải than, tôn băng tải than, bảo ôn, quan trắc môi trường trực tuyến, xử lý nước thải sau súc rửa về công trường để triển khai thi công lắp đặt đảm bảo tính đồng bộ.

Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các đơn vị có kinh nghiệm trong ngành tham gia hỗ trợ PVC tại dự án, đặc biệt trong công tác vận hành chạy thử, bảo dưỡng thiết bị định kỳ.

Rà soát, tối ưu lại danh mục spareparts (cho 2 năm vận hành và cho chạy thử); hoàn thành hệ thống giấy phép và giám sát, báo cáo theo quy định nhà nước, địa phương, hợp đồng thu xếp vốn, hợp đồng EPC, quy chuẩn và thông lệ áp dụng.

Tiếp tục hỗ trợ PVC đàm phán với nhà thầu nước ngoài để xử lý các vướng mắc về thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo hành thiết bị trên tinh thần “hợp tác hai bên cùng có lợi nhất”.

Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ kỹ sư, công nhân vận hành bảo dưỡng nhà máy, sớm hoàn thành đào tạo EPC sẵn sàng tiếp quản và hỗ trợ lực lượng vận hành chạy thử của PVC; tiếp tục chủ động các công việc trong nước có thể thực hiện được, tiếp tục theo dõi, duy trì kênh thông tin về tình hình bệnh dịch và chính sách xuất nhập cảnh của các nước liên quan để hỗ trợ, điều động các chuyên gia phục vụ các công việc cấp bách.

Với tinh thần và quyết tâm hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tránh thiệt hại về kinh tế cho nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã, đang và sẽ tập trung mọi nguồn lực, kịp thời quyết định các giải pháp đột phá, nhằm đưa Dự án NMNĐ Thái Bình 2 về đích an toàn.

N.H