Bây giờ, đi dọc những tuyến đường về các huyện như Mỹ Xuyên, Long Phú, Trần Đề, Ngã Năm… (Sóc Trăng) hay các huyện Duyên Hải, Cầu Kè, Trà Cú… (Trà Vinh) ở đâu cũng có thể bắt gặp những cánh đồng trồng lúa, hoa màu xanh ngát và hình ảnh người dân sử dụng máy bơm điện tưới nước cho cây trồng. Những phum sóc vốn trước đây gần như cô lập giữa cánh đồng thì nay cũng lấp lánh ánh sáng điện mỗi khi đêm về.
Thay đổi nhờ có điện
Từ tháng 7/2011, Sóc Trăng là một trong 2 tỉnh (cùng với Trà Vinh) ở đồng bằng sông Cửu Long được chọn để triển khai Dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer. Đến nay sau 4 năm triển khai, Dự án đã mang lại những kết quả hơn cả mong đợi. Đầu tiên phải kể đến giai đoạn 1 của Dự án có mức đầu tư 305 tỉ đồng được hoàn tất vào năm 2013 mang điện lưới quốc gia đến cho 20.049 hộ dân. Kế đến, giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 212 tỉ đồng, cấp điện cho 16.784 hộ dân, trong đó có 13.427 hộ Khmer cũng đã hoàn thành vào đầu năm 2015. Giai đoạn này hoàn thành đã nâng số hộ Khmer có điện trong toàn tỉnh Sóc Trăng lên 94.570 hộ, chiếm tỷ lệ 98,1% số hộ dân có điện.
Nhớ lại, lúc mới tái lập tỉnh Sóc Trăng năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 21/81 xã, thị trấn với 22.150 hộ sử dụng điện lưới quốc gia, chiếm khoảng 10% dân số mới thấy những gì mà dự án trên mang lại thật ý nghĩa. Quan trọng hơn khi nguồn điện đang được người dân tận dụng để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới ra đời giúp các hộ vươn lên làm giàu. Ông Liêng Sa, một hộ dân Khmer (xóm 4, phường 5) nhớ lại: “Khi chưa có điện lưới quốc gia tôi phải chạy máy phát 3 tiếng đồng hồ mỗi đêm, chi phí khoảng 40.000 đồng/đêm. Rồi bây giờ có đường điện chạy ngang nhà, mình hết xài giá cao nữa, lại còn mở tiệm buôn bán, kinh tế gia đình khá hơn nhiều”. Bà Thạch Thị Thel, ở xã Tham Đôn (H. Mỹ Xuyên), phấn khởi: “Hồi đó có nằm mơ tôi cũng đâu nghĩ bữa nay nhà có tủ lạnh xài, vậy mà bây giờ, nhờ có điện, con cái làm ăn xa về cái gì tụi nó cũng mua sắm đầy đủ từ quạt điện, ti vi, đến tủ lạnh. Tưới rau, tắm bò cũng không còn phải xách nước bằng tay”.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, Dự án Cấp điện cho đồng bào dân tộc Khmer, vùng sâu, vùng xa cũng đang góp phần quan trọng vào đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Sau 4 năm, qua 3 giai đoạn, Dự án đã hoàn tất khối lượng đường dây trung thế 292,032 km, đường dây hạ thế 1.134,99 km, trạm biến thế 685 trạm 12.917,5 kVA, cung cấp điện cho 35.045 hộ dân. Đến cuối tháng 12/2014, số hộ dân có điện toàn tỉnh Trà Vinh đã đạt 98,04%.
Tiếp tục vượt khó kéo điện về vùng sâu
Có một thực tế là điện được kéo đến làm thay đổi diện mạo vùng sâu vùng xa nhanh bao nhiêu thì những khó khăn vất vả của công nhân ngành điện dường như lớn bấy nhiêu. Ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Điện lực Sóc Trăng chia sẻ: “Khi triển khai dự án ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở các huyện Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, TX. Vĩnh Châu… thi công gặp rất nhiều trắc trở; vận chuyển vật tư, bằng đường sông phải chờ con nước mới đưa được đến chân công trình”. Rồi những khi thi công trong vùng nuôi trồng thủy sản của người dân, vận chuyển khó khăn đã đành lại còn phải khéo léo tránh gây thiệt hại cho các hộ dân. Cũng theo ông Hải, một khó khăn nan giải lớn khác là đền bù giải phóng mặt bằng. Vẫn còn nhiều trường hợp các hộ dân sau khi đã nhận đủ tiền đền bù không cải tạo nhà, hoặc cải tạo nhà chưa đạt yêu cầu. Cũng không ít hộ không đồng ý nhận tiền và đề nghị hỗ trợ đền bù theo giá thị trường gây khó khăn trong việc đóng điện, cấp điện cho các hộ dân theo tiến độ và ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp… Khó khăn là vậy nhưng nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành. Đó là điều gần như “bất di bất dịch” trong chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Nam đối với các công ty điện lực địa phương đang triển khai dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer. Bởi vì, Dự án này không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà còn nhằm đảm bảo an sinh xã hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Điện miền Nam.