Giữ vững an ninh truyền tải điện trước dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp

Hệ thống truyền tải điện quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng 63/63 tỉnh/thành phố. Vậy trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã làm gì để đảm bảo an ninh truyền tải điện. Xung quanh vấn đề này PV có cuộc trao đổi với ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT.
Ông Lưu Việt Tiến - PTGĐ EVNNPT
Ông Lưu Việt Tiến - PTGĐ EVNNPT

PV: Thưa ông, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, vậy EVNNPT đã có chỉ đạo như thế nào đối với các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện?

Ông Lưu Việt Tiến: Nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện, EVNNPT đã quán triệt toàn thể CBCNV các đơn vị vừa phải đảm bảo phòng chống dịch tốt, vừa phải đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện. EVNNPT đã hoàn thiện phương án phòng chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch lan tràn, trong đó có các biện pháp xử lý các tình huống đơn vị có trường hợp F0, trường hợp có nhiều CBCNV nghi nhiễm dịch các thể F1, F2 (dưới 30%, từ 30-50% hoặc trên 50% nhiễm).

Nghiêm túc thực hiện việc bố trí ở tập trung cách ly sau ca trực, làm việc đối với lực lượng vận hành và sửa chữa, thí nghiệm, không ra ngoài khu vực cách ly, không tiếp xúc người ngoài để tránh lây nhiễm. CBCNV kíp trực mới phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trước mỗi đợt trực tập trung; việc xét nghiệm trước khi vào trực tập trung phải đảm bảo tuyệt đối theo hướng dẫn 5K; việc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đang trong thời gian trực tập trung thực hiện theo yêu cầu của địa phương.

Ca trực TBA 500kV Nho Quan kiểm tra thiết bị
Ca trực TBA 500kV Nho Quan kiểm tra thiết bị

CBCNV khác làm việc tối đa từ xa tại nhà, giữ liên lạc thông suốt và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu. Tất cả các cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tuyến, tăng cường làm việc thông qua các ứng dụng từ xa.

EVNNPT đã có Công văn gửi UBND các tỉnh/thành tạo điều kiện cho CBCNV di chuyển phục vụ sản xuất, đầu tư xây dựng, xử lý các sự cố, hư hỏng thiết bị lưới điện, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục. Các đơn vị tích cực phối hợp với các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực, các địa phương để triển khai nhanh chóng tiêm vắc xin cho CBCNV.

PV: Xin ông cho biết đâu là những khó khăn trong công tác vận hành lưới điện truyền tải với tình hình dịch bệnh hiện nay?

Ông Lưu Việt Tiến: Dịch covid-19 khởi phát từ đầu năm 2020 nhưng đây là đợt dịch phức tạp nhất với nhiều tỉnh/thành có dịch, số lượng ca nhiễm tăng cao mỗi ngày. Để hạn chế dịch bệnh nên hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Chính phủ. Chính vì vậy công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải đang gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể:

Đối với công tác quản lý vận hành đường dây: Việc kiểm tra định kỳ cũng như đột suất trên các tuyến đường dây, đặc biệt các tuyến đường dây đi qua các khu công nghiệp, khu vực đông dân cư tiềm ẩn nguy cơ sự cố bị hạn chế.

Lãnh đạo PTC4 thăm lực lượng vận hành TBA 500kV Phú Lâm
Lãnh đạo PTC4 thăm lực lượng vận hành TBA 500kV Phú Lâm

Đối với công tác thí nghiệm, sửa chữa: Việc hạn chế đi lại cũng ảnh hưởng đến công tác thí nghiệm bảo dưỡng định kỳ TBA do các đội thí nghiệm, sửa chữa phải di chuyển qua các TBA ở nhiều địa phương khác nhau. Ngoài ra, việc đi lại của CBCNV phải có giấy xét nghiệm có kết quả âm tính và có thời hạn cũng là một trở ngại không nhỏ  trong việc tổ chức xét nghiệm cho CBNV.

Đối với công tác vận hành trạm biến áp: Lực lượng trực ca phải cách ly tại trạm, các đơn vị phải bố trí thêm một bộ phận để đảm bảo các điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt của CBCNV nghỉ tập trung; có biện pháp giám sát hoặc bảo hộ phòng dịch của người cung cấp dịch vụ để đảm bảo phòng dịch tránh lây cho CBCNV. Việc phối hợp tổ chức thí nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trạm gặp nhiều khó khăn và khó đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch.

Không những thế, lực lượng trực vận hành, trực xử lý sự cố phải cách ly tập trung dài ngày trong khi khu vực xung quanh đang có nhiều ca nhiễm cũng ảnh hưởng tới tâm lý của CBCNV. EVNNPT cùng các tổ chức đoàn thể đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo, động viên CBCNV vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công đoàn EVNNPT thăm lực lượng vận hành trạm 220kV Đông Hà
Công đoàn EVNNPT thăm lực lượng vận hành trạm 220kV Đông Hà

PV: EVNNPT đã và sẽ triển khai ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào nhằm giảm thiểu tình trạng lây lan dịch bệnh trong thời gian qua?

Ông Lưu Việt Tiến: Trong các năm qua, EVNNPT đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh nói chung, các ứng dụng đã giúp EVNNPT nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, đảm bảo vận hành àn toàn hệ thống trong thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp, tránh tiếp xúc giảm thiểu tình trạng lây nhiễm dịch bệnh.

Cụ thể, trong quản lý vận hành TBA và đường dây, EVNNPT đã triển khai trên 70% các trạm biến áp 220kV không người trực, giám sát điều khiển từ xa, ứng dụng giám sát trực tuyến các thiết bị chính trên lưới như MBA, kháng điện; Triển khai ứng dụng thiết bị bay kiểm tra quản lý vận hành đường dây, camera giám sát đường dây, định vị sự cố đường dây; Ứng dụng UAV phun thuốc tiệt trùng các trung tâm vận hành. Các ứng dụng trên đã giúp giảm tiêu hao lao động, giảm khối lượng công việc thực hiện trực tiếp bằng con người qua đó giảm nhu cầu đi lại, tiếp xúc trong điều kiện dịch bệnh.

Trong quản lý điều hành công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT ứng dụng camera, UAV giám sát từ xa việc thi công các công trình xây dựng. Trong công tác quản lý, điều hành, khai thác tối đa các ứng dụng Zoom, Msteam, hội nghị truyền hình....đến tất cả các đơn vị cấp 4, các đơn vị giám sát, điều hành thi công công trình.

Hiệu quả là cho đến nay EVNNPT vẫn đang quản lý tốt lưới điện truyền tải, đảm bảo an toàn, tin cậy cung cấp điện cho cả nước. EVNNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thêm các thành tựu KHCN trong thời gian tới để phục vụ tốt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, phòng chống dịch bệnh.

PV: EVNNPT đã có phương án chuẩn bị như thế nào trong tình huống dịch bệnh có thể kéo dài, thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến: Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới. Để phòng, chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2020, EVNNPT đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc EVNNPT thành lập Ban chỉ đạo, hiện nay 100% các đơn vị trực thuộc EVNNPT đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19.

EVNNPT chỉ đạo toàn bộ CBCNV quán triệt, nghiêm túc, gương mẫu thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch của các cơ quan Trung ương, địa phương, của EVN và EVNNPT; nêu cao ý thức phòng, chống dịch; tuân thủ việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, đảm bảo thực hiện giãn cách theo quy.

EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát phương án phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện đơn vị có trường hợp CBCNV dương tính, đơn vị bị phong tỏa. Nghiêm túc thực hiện cách ly tập trung, thực hiện tốt "3 tại chỗ" (ăn - ở - sản xuất tập trung tại nơi làm việc) đối với bộ phận CBCNV trực vận hành, sửa chữa thí nghiệm, điều độ, vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng, lực lượng này được bố trí ở lại đơn vị sau ca trực và không về nhà.

Xây dựng các kịch bản và phương án phòng chống dịch COVID-19 cho các tình huống xấu hơn có thể xảy ra, đặc biệt đối với các đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, để có thể chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho CBCNV và duy trì hoạt động SXKD của đơn vị. Lưu ý đảm bảo vận hành các đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các khu vực có phụ tải ưu tiên, các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly, các địa điểm phòng, chống dịch COVID-19. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết (nhân lực, thiết bị, phương tiện, các giấy tờ để được phép di chuyển;...) để triển khai khắc phục nhanh các bất thường, sự cố trên lưới điện.

EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị cùng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ tối đa lẫn nhau trong điều kiện cho phép, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung của EVNNPT. EVNNPT cũng đã đề nghị các tỉnh / thành phố về việc tạo điều kiện di chuyển điều hành sản xuất cho lãnh đạo và CBCNV các đơn vị trực thuộc để triển khai công tác quản lý vận hành, xử lý sự cố lưới điện truyền tải, triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

EVNNPT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế địa phương thực hiện tiêm vắc-xin COVID-19 cho 3.355 CBCNV (tính đến ngày 28/7/2021), đạt 47,2 % tổng số CBCNV của EVNNPT. Trong thời gian tới, EVNNPT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế địa phương để thực hiện tiêm vắc-xin COVID-19. Công đoàn EVNNPT và tổ chức công đoàn các cấp trực thuộc tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCNV, đặc biệt là lực lượng “cắm trại” tại nơi làm việc để thực hiện nhiệm vụ. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông./.

PV