Ngày 14/1, vào lúc 9h (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 80,79 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 78,66 USD/thùng. Giá dầu tăng vọt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt gói trừng phạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào doanh thu dầu khí của Nga vào ngày 10/1.
Ngân hàng Goldman Sachs đã có những phân tích tác động của lệnh trừng phạt do Tổng thống Joe Biden áp đặt trước khi chuyển giao quyền lực.
Nguyên nhân đằng sau lệnh trừng phạt
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có sự tham gia phối hợp với Vương quốc Anh, nhắm vào hai công ty dầu mỏ lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas - chịu trách nhiệm cho gần 1 triệu thùng/ngày xuất khẩu đường biển vào năm 2024, cũng như 183 tàu đã vận chuyển dầu của Nga, tăng gấp đôi số lượng tàu bị đưa vào danh sách đen lên 270 tàu trên khắp Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Phân tích chỉ ra các tàu bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt chiếm 1,7 triệu thùng/ngày và sản phẩm xuất khẩu của Nga vào năm 2024, tương đương 25% tổng khối lượng xuất khẩu của nước này. Nhưng Goldman Sachs vẫn không thay đổi kịch bản ban đầu về sản lượng của Nga với mức trung bình là 10,6 triệu thùng/ngày vào năm 2025 mặc dù sự không chắc chắn đang ngày càng gia tăng.
Chính quyền Mỹ đã nêu ra ba lý do để áp dụng các lệnh trừng phạt này: hướng tới công suất khai thác dầu dự phòng toàn cầu cao hơn, dự báo về thặng dư dầu vào năm 2025 và giải quyết vấn đề giá dầu hiện tại.
4 kịch bản theo Goldman Sachs để giá dầu thô Brent đạt 90 USD/thùng
Trong khi các lệnh trừng phạt có thể thúc đẩy giá dầu, Goldman Sachs vẫn giữ nguyên kịch bản cơ bản của mình, dự đoán rằng giá dầu thô Brent sẽ dao động trong khoảng từ 70 đến 85 USD/thùng trong năm nay, đồng thời phác thảo bốn kịch bản có thể đẩy giá dầu thô Brent đạt 90 USD/thùng:
Kịch bản 1: Sản lượng của Nga tạm thời giảm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 2/2025 nhưng phục hồi vào tháng 4 và Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) tăng sản lượng vào tháng 7. Khi đó, giá dầu thô Brent có thể đạt đỉnh ở mức 86 đô la/thùng vào tháng 3 trước khi ổn định.
Kịch bản 2: Nguồn cung năng lượng của Nga liên tục giảm 0,5 triệu thùng/ngày. Goldman Sachs dự đoán Tổng thống Donald Trump có thể không nới lỏng lệnh trừng phạt sau khi nhậm chức nhưng có thể gắn việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với việc đàm phán hướng tới thực hiện thành công thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Nga và Ukraine. Lúc ấy, giá dầu thô Brent có thể tăng lên 83 USD/thùng vào giữa năm 2025.
Kịch bản 3: Xuất khẩu của Iran giảm 1 triệu thùng/ngày do lệnh trừng phạt được thực thi chặt chẽ hơn khi Mỹ có kế hoạch tái khởi động chiến dịch "gây sức ép tối đa". Điều này cũng có thể đẩy giá dầu thô Brent lên 83 USD/thùng vào giữa năm 2025.
Kịch bản 4: Sản lượng giảm của Nga trùng với sản lượng giảm của Iran, tức là một sự gián đoạn kết hợp khi sản lượng của Nga giảm 1 triệu thùng/ngày trong thời gian ngắn và nguồn cung của Iran liên tục giảm 1 triệu thùng/ngày. Theo kịch bản này, giá dầu thô Brent có thể tăng vọt lên 90 USD/thùng vào tháng 3/2025.
Tuy nhiên, theo đánh giá, tác động giá dài hạn của việc nguồn cung bị trừng phạt thấp hơn còn tương đối hạn chế vì OPEC+ sẽ ổn định thị trường bằng cách triển khai công suất khai thác dầu dự phòng cao của mình.
Đồng thời, sự bất ổn về chính sách của Mỹ làm phức tạp thêm vấn đề, với cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump sắp tới đối với các lệnh trừng phạt của Nga vẫn chưa chắc chắn. Goldman Sachs cho rằng ông Trump có thể không dỡ bỏ các biện pháp ngay lập tức và có khả năng gắn việc dỡ bỏ các biện pháp này với việc đàm phán hoặc thực hiện thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine.
Các quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều từ Nga như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2022 cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tác động tới thị trường năng lượng. Dầu của Nga có thể giảm giá để khuyến khích tiếp tục vận chuyển bằng đội tàu ngầm năng động và mua hàng của những người mua nhạy cảm về giá tại các điểm giao dịch hiện tại hoặc các điểm mới.