Ngày 22/8/2023, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức Hội thảo lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lấy ý kiến về phương án phát triển 4 huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ.
Cơ sở hạ tầng chậm phát triển so với quy hoạch
Trình bày phương án phát triển của 4 huyện, đại diện đơn vị tư vấn cho biết: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ là các huyện ngoại thành phía Tây trung tâm Thủ đô Hà Nội với địa hình đa dạng tạo ra nhiều vùng cảnh quan hấp dẫn để phát triển dân cư gắn với du lịch sinh thái, đặc biệt là hành lang cảnh quan sông Đáy, sông Tích và vùng núi Viên Nam.
Đây cũng là vùng đất đa dạng văn hóa làng nghề, trong đó Thạch Thất nổi tiếng với nhiều làng nghề nổi tiếng của xứ Đoài như: nghề mộc Chàng Sơn, dệt Hữu Bằng, đan lát Bình Phú, sắt - cơ kim khí Phùng Xá...
Khu vực này có đại lộ Thăng Long; các Quốc lộ 21, 32, 6; đường Vành đai 3,5, Vành đai 4… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với vùng kinh tế Tây Bắc, hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh và cả nước.
Trên địa bàn 4 huyện còn tập trung những khu chức năng, dự án mang cấp quốc gia như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia...
Hiện tại, hệ thống kết nối hạ tầng xuyên tâm về trung tâm Thủ đô khá tốt và trong tương lai càng gia tăng động lực với nhiều tuyến bổ trợ song hành được định hướng trong quy hoạch như: trục Hồ Tây - Ba Vì, Hà Nội - Xuân Mai, hệ thống đường sắt đô thị kết nối lên Hòa Lạc…
Bên cạnh những thuận lợi, “điểm nghẽn” hiện nay ở 4 huyện chính là cơ sở hạ tầng chậm và không có nhiều phát triển so với quy hoạch làm cho các kết nối kém, các trục giao thông như Quốc lộ 6, Quốc lộ 21… bị quá tải, ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông đường bộ của 4 huyện đã cũ, không đáp ứng tốt cho nhu cầu. Tốc độ triển khai quy hoạch chung chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện đầu tư xây dựng tại khu vực các xã. Nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, chính sách phát triển chưa có đột phá…
5 đột phá phát triển “Thành phố phía Tây”
Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, đơn vị tư vấn đề xuất phương án phát triển với định hướng chủ đạo là mô hình “Thành phố phía Tây” phù hợp với mục tiêu quốc gia; xem xét lại chủ trương di dời các chức năng trong nội đô ra các đô thi vệ tinh và thị trấn sinh thái để phù hợp với nguồn lực đầu tư; xem xét lại mô hình phát triển và giai đoạn đầu tư đối với các đô thị vệ tinh; phát triển các thị trấn sinh thái với trục không gian bám theo Quốc lộ 6 và Đại lộ Thăng Long, cùng với hệ thống đường sắt tạo thành hành lang đô thị dọc tuyến; Hành lang xanh bảo tồn hệ thống di tích di sản về văn hóa, cảnh quan và làng nghề…
Trong đó, “Thành phố phía Tây” là trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, thành phố khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ.
Điểm nhấn trong phương án phát triển của 4 huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ là 5 đột phá.
Theo đó, huy động nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển “Thành phố phía Tây”, thành trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, với các chức năng chính: Khoa học - Công nghệ, Nghiên cứu và phát triển (R&D), giáo dục; kinh tế dịch vụ, làng nghề, đô thị sinh thái…;
Tập trung chủ yếu phát triển Hòa Lạc, là hạt nhân chính để phát triển Thành phố phía Tây trung tâm của khoa học công nghệ, không gian số… bằng các cơ chế riêng, hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh;
Xây dựng mô hình đô thị No.CO2, ngôi nhà thứ 2 dành cho các nhà khoa học lớn trong nước và quốc tế; Giữ nguyên định hướng trục Hồ Tây - Ba Vì, chỉ vi chỉnh để đảm bảo tính khả thi, để hình thành không gian và trung tâm văn hóa mới của Thủ đô; Vùng không gian giữa sông Tích và sông Đáy đề xuất mô hình chuỗi cụm làng nghề, xanh, thông minh, lưu giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài nhưng vẫn hội nhập với kinh tế tri thức, công nghệ và có tính bổ trợ cho hạt nhân là khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Thảo luận về đề xuất phương án phát triển 4 huyện phía Tây, đại diện các Sở ngành, chuyên gia và 4 huyện cho rằng, đơn vị tư vấn cần khảo sát kỹ hiện trạng, nghiên cứu, đánh giá, bổ sung những nét đặc thù, thế mạnh, lợi thế phát triển của từng địa phương nhằm hoàn thiện phương án phát triển để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Rà soát lại một số chức năng “Thành phố phía Tây” dựa trên thực tế nhu cầu các địa phương như y tế, giáo dục, thương mại đề xác định rõ nét hơn khu vực này. Đồng thời, làm rõ hơn những tiêu chí của mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; quy mô phát triển đô thị với quy mô dân số được xác định đến năm 2050…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các Sở ngành, chuyên gia, lãnh đạo các huyện để đưa vào báo cáo giai đoạn 2 của quá trình lập Quy hoạch Thủ đô. Các sở, chuyên ngành được yêu cầu xây dựng báo cáo của ngành, lĩnh vực, giúp đơn vị tư vấn cũng như các quận, huyện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển cũng như các định hướng, danh mục dự án phát triển cụ thể trong giai đoạn tới.