Chị H. (38 tuổi, TP. Hà Nội) - một khách hàng trung thành của thương hiệu Lix thuộc Công ty Cổ phần Bột giặt LIX nhiều năm nay - trong lúc đang lướt xem tin trên Facebook, bỗng thấy một bài đăng bán sản phẩm nước giặt LIX loại can 3,6kg, giao hàng tận nơi, với mức giá 200.000 đồng/thùng 4 chai, tức 50.000 đồng/chai, rẻ hơn đến một nửa so với giá chị vẫn thường mua (110.000 đồng/chai).
Sau khi nhắn tin hỏi thông tin và nhận được thêm các hình ảnh sản phẩm thực tế khá “chuẩn”, chị H. đặt mua 1 thùng và chuyển khoản, mừng rỡ vì tìm được kênh bán rẻ bất ngờ.
Thế nhưng, đến khi nhận hàng, chị H. “té ngửa” vì sản phẩm trên tay mình không phải thương hiệu “Lix” quen thuộc, mà là nước giặt “Ljx”. Chai nước giặt Ljx có hình dáng khá giống với sản phẩm Lix, tuy nhiên các font chữ, hình ảnh in trên nhãn mác đều mờ nhạt. Nhà sản xuất được ghi trên nhãn không phải Công ty Cổ phần Bột giặt LIX, mà là Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Starbucks Việt Nam, đặt tại Nho Quan, Ninh Bình.
Khi đổ nước giặt Ljx ra thử, chị H. thấy dung dịch sản phẩm màu hồng nhạt, khá loãng, bị vẩn đục, mùi thơm rất nhẹ và khác so với sản phẩm Nước giặt Lix. Khi giặt thì thấy nhớt và khô da tay, ít bọt, giặt hoàn toàn không sạch vết bẩn mặc dù chị đã dùng lượng gấp đôi so với lượng dùng hằng ngày đối với Nước giặt Lix. Chị tìm đến địa chỉ gửi hàng cho đơn vị vận chuyển được ghi trên vận đơn bưu kiện, thì đây là nhà cũ, không có người ở. Đến đây, chị H. biết chắc mình đã bị lừa và mua phải hàng giả.
Đáng nói, chị H. không phải trường hợp duy nhất mua phải sản phẩm không đúng với thông tin người bán đăng tải. Nhận được phản ánh từ khách hàng, đại diện Công ty Cổ phần Bột giặt LIX cho biết đã trực tiếp mua sản phẩm từ chủ tài khoản Facebook nói trên và lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm. Kết quả cho thấy, 97% dung dịch sản phẩm là nước, hàm lượng chất hoạt động bề mặt chỉ ở mức 1%, là mức rất thấp so với tiêu chuẩn sản phẩm tại Công ty và các sản phẩm giặt rửa cùng ngành đang kinh doanh trên thị trường, hàm lượng này không thể làm sạch vết bẩn. Hơn nữa, độ pH của Nước giặt Ljx khá thấp, dung dịch nhờn, rửa lâu sạch và da tay có cảm giác khô rít rất khó chịu. Tên doanh nghiệp là nhà sản xuất ghi trên nhãn cũng không có thông tin trên bất kỳ trang tra cứu nào.
Ông Cao Thành Tín - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột giặt LIX khẳng định, sản phẩm nước giặt mang nhãn hiệu LIX do Công ty sản xuất đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và đảm bảo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng đã công bố. Đồng thời, Công ty không sản xuất và không ủy quyền cho bất kỳ bên thứ ba nào sản xuất và phân phối “nước giặt Ljx” như hình ảnh sản phẩm mà khách hàng nhận được.
Khoản 2 Điều 213 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 nêu rõ “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu”.
Như vậy, mọi sản phẩm cùng loại do các nhà sản xuất khác cung cấp trên thị trường, với tên thương hiệu, nhãn mác gần giống Lix, dù ở hình thức phân phối nào đều có thể bị coi là hàng giả, hàng nhái và vi phạm pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ.
“Hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với các phương thức ngày càng tinh vi như hiện nay cho thấy sự coi thường pháp luật, đứng trên tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng để trục lợi của các đối tượng thực hiện”, ông Cao Thành Tín nhấn mạnh, cho biết hành vi này cần phải được xử lý kịp thời, triệt để để đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo LS. Nguyễn Minh Hương, Luật sư Trưởng Văn phòng Văn phòng luật sư A Hòa, điều 11, 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ phải chịu phạt tiền từ 500 nghìn đồng lên đến 250 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi của người đưa thông tin sản phẩm sai lệch, gian lận đến người tiêu dùng còn vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể,
+ Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định: điểm đ, khoản 1 Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
+ Không cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo quy định khi giao kết hợp đồng từ xa: điểm a khoản 1 Điều 53 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
+ Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng và Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng: điểm b và c khoản 1 Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.
Theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 thì mức trần xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên 200 triệu (với cá nhân) và 400 triệu (với tổ chức).
Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ, người sản xuất, buôn bán hàng giả còn có thể thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, một số trường hợp cao hơn là bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Luật sư Hương cho rằng, Công ty Cổ phần Bột giặt LIX và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ hành vi vi phạm, xử lý kịp thời và xác đáng để ngăn chặn việc người tiêu dùng tiếp tục phải sử dụng sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đại diện Công ty Cổ phần Bột giặt LIX cũng khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn mua sắm sản phẩm tại các kênh phân phối uy tín, kiểm tra sản phẩm trước khi nhận hàng và thanh toán, tránh để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.