Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong phiên giao dịch ngày 14/10 tiếp tục giảm 3,8% xuống còn 124,17 USD/tấn.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/10 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) đã giảm mạnh 5,9% xuống còn 731 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 113,32 USD). Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá quặng sắt giảm xuống chỉ còn 712 Nhân dân tệ/tấn – mức thấp nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây. Tính chung 3 phiên giao dịch gần nhất, giá quặng sắt trên sàn DCE đã giảm gần 10%.
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm trở lại khi các hãng truyền thông Trung Quốc cho biết các nhà máy sản xuất thép tại 28 tỉnh, thành phố phía Bắc Trung Quốc sẽ phải cắt giảm công suất từ ngày 15/10/2021 đến 15/03/2022 nhằm giảm ô nhiễm không khí trong bối cảnh nước này sẽ tổ chức Thế Vận hội mùa Đông năm 2022 vào đầu tháng 2 năm sau. Các sự kiện chính của Thế Vận hội mùa Đông năm 2022 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc.
Trước đó, thành phố Đường Sơn (Hà Bắc) – trung tâm sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại đây phải giảm mạnh công suất hoạt động kể từ cuối tháng 8. Sản lượng thép của thành phố Đường Sơn chiếm tới 14% tổng sản lượng thép của Trung Quốc, tương đương 8% tổng sản lượng thép toàn cầu.
Giá quặng sắt còn chịu áp lực giảm khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn tại Trung Quốc đối mặt rủi ro mất khả năng thanh toán nợ sau vụ Evergrande. Hãng Modern Land với gần 200 dự án tại 50 thành phố trên toàn Trung Quốc lẫn quốc tế vừa đề nghị các nhà đầu tư cho thêm thời gian để thanh toán khoản nợ 250 triệu USD đến hạn. Trong tuần trước, tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande tiếp tục lỡ hạn thanh toán nợ lần 2 với tổng giá trị 148 triệu USD.
Điều này đang khiến giới đầu tư ngày càng lo ngại về sự ổn định của thị trường bất động sản Trung Quốc, kéo theo đó là triển vọng u ám đối với nhu cầu sử dụng thép. Bất động sản cùng với sản xuất chế tạo là hai lĩnh vực sử dụng thép lớn nhất tại Trung Quốc.
Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 9 vừa qua chỉ đạt 95,6 triệu tấn, giảm so với mức 97,5 triệu tấn hồi tháng 8 trước đó. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng lượng quặng sắt được nước này nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020. Hãng môi giới giao dịch chứng khoán Zhongzhou Futures (Trung Quốc) cho biết trong giai đoạn nửa cuối tháng 9/2021, số lượng lò cao ngưng hoạt động đã tăng vọt và các hãng sản xuất thép khó có thể quay trở lại hoạt động đầy đủ trong tháng 10 này.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng hiện nay tại Trung Quốc cũng khiến các lĩnh vực sản xuất có mức tiêu thụ năng lượng lớn như sản xuất thép phải ngưng hoặc giảm mạnh hoạt động để đảm bảo nguồn cung điện cho các khu vực kinh tế khác.