“Hành trình Năng lượng” năm nay diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tour khảo sát thực tế các công trình của một số doanh nghiệpdầu khí trên địa bàn và hội thảo cùng các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước. Trong hai ngày 29 - 30/11, PSI đã phối hợp với doanh nghiệp đưa đại diện các tổ chức tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ uy tín tới tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh tại Kho cảng LPG Thị Vải của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Nhà máy Hoá chất Dầu khí Cái Mép thuộc Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PV DMC) và Xí nghiệp Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè - Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)…
Trong khuôn khổ chương trình, chiều 29/11, Hội thảo với chủ đề “Doanh nghiệp Dầu khí và thị trường vốn” đã diễn ra tại Khu Hội nghị Grand Strip Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc. Tham dự Hội thảo có TS.Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn-Chủ tịch HĐQT PSIcùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp dầu khí: ông Phạm Đăng Nam - Phó TGĐ PV GAS; bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó TGĐ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power); ông Nguyễn Đăng Trình - Phó Tổng giám đốc PVOIL… và đại diện gần 50 tổ chức, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Huy Long-Phó Giám đốc PSI đã chia sẻ những thông tin về nhu cầu và giải pháp vốn trong hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí.Trong giai đoạn 2018-2030, nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên sẽ lên tới 620.000 tỷ đồng. PVN hiện có những lợi thế nhất định như được đánh giá tín nhiệm ở mức “Triển vọng tích cực” vềphát hành công cụ nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) bởi Fitch Ratings. Đây là điều kiện thuận lợi giúp PVN nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế, đa dạng hóa nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư trong bối cảnh hạn chế bảo lãnh của Chính phủ.
Tuy nhiên, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng thì đầu tư FDI vào ngành Dầu khí lại đang có chiều hướng sụt giảm (từ 2 tỷ USD/năm đến nay mỗi năm chỉ còn khoảng vài trăm triệu USD). Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến ngành Dầu khí ngày càng thắt chặt khiến nhà đầu tư lo ngại.Trước tình hình đó, PSI với vai trò là công ty chứng khoán thuộc PVN, sở hữu những lợi thế nhưam hiểu về ngành cùng kinh nghiệm, năng lực triển khai công tác tư vấn, tái cấu trúc cho PVN và các đơn vị thành viên; đồng thời với trách nhiệm vận hành Bộ chỉ số PVN Index - cầu nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước với PVN…; PSI sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới cách thức vận hành bộ chỉ số để thực hiện các sứ mệnh được PVN giao phó.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã có những nhận định về bức tranh kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới và các tác động, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, đồng thời đánh giá vai trò quan trọng của thị trường vốn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sự bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Các chuyên gia nhấn mạnh, với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dầu khí nói riêng, để tăng cường thu hút vốn đầu tư thì việc đa dạng hóa hình thức huy động vốn đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh huy động vốn qua tín dụng ngân hàng, còn nhiều hình thức khác như tín dụng xuất khẩu, phát hành trái phiếu, thuê tài chính; tăng cường thu hút vốn FDI, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bằng chính sách quan hệ cổ đông và bộ chỉ số ngành.
Các nhà đầu tư nhận định, “Hành trình Năng lượng” là chương trình thường niên ý nghĩa của PSI dành cho cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế gặp gỡ, tìm hiểu, kết nối với doanh nghiệp dầu khí, cũng là cơ hội để khảo sát thực tế tại các nhà máy, tìm hiểu thêm về hoạt động của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư mong muốn có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dầu khí, cũng như kế hoạch hoạt động, triển khai các dự án của ngành trong tương lai, để đánh giá tiềm năng, triển vọng của doanh nghiệp, qua đó tìm kiếm cơ hội đầu tư.