HANOSIMEX: 30 năm sải cánh không ngừng

Trong những ngày cả nước tưng bừng hướng về kỷ niệm Hà Nội 60 năm ngày giải phóng, thì tập thể gần năm ngàn người lao động của Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội - HANOSIMEX (tiền thân là Nhà máy sợi

Những mốc son lịch sử

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã bắt tay ngay vào việc thực hiện phát triển ngành công nghiệp “lo cái mặc” cho toàn xã hội, với việc ký Nghị định hợp tác kinh tế, nhập khẩu thiết bị đồng bộ nhà máy kéo sợi với các nước: Cộng hòa Liên bang Đức (Nhà máy sợi Hà Nội), Cộng hòa dân chủ Đức (Nhà máy sợi Vinh), Nhật Bản (Nhà máy sợi Nha Trang), Hungary (Nhà máy sợi Huế). 


Thương hiệu may mặc Hanosimex luôn ghi đậm vào dấu ấn người tiêu dùng Việt

Có những mốc sự kiện không thể quên trong tâm trí của tất cả những người gắn bó với ngành Dệt May thuở sơ khai đó là: ngày 7/4/1978, Hợp đồng xây dựng Nhà máy sợi Hà Nội được ký kết giữa Tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ, Bộ Ngoại thương (TECHNO – IMPORT VIETNAM) và Hãng UNIONMATEX (Cộng hòa liên bang Đức). Tháng 2/1979: Công trình xây dựng Nhà máy sợi Hà Nội được khởi công với tổng vốn đầu tư là 259.695.000 đồng. Ngày 21/11/1984, Nhà máy sợi Hà Nội được bàn giao và chính thức đi vào hoạt động với quy mô ban đầu 100.000 cọc sợi, sản lượng khoảng 10.000 tấn/ năm. Từ đây, ngày 21/11/1984 trở thành ngày truyền thống – Ngày thành lập của Nhà máy sợi Hà Nội, tiền thân của Tổng công ty Cổ phần dệt may Hà Nội ngày nay.

Giai đoạn 1990 – 1991, Nhà máy dệt kim tại khu vực Hà Nội được xây dựng, đưa vào sản xuất. Tháng 4-1990, sau khi đưa dây chuyền dệt kim số I vào sản xuất, Nhà máy sợi Hà Nội được Bộ kinh tế đối ngoại cho phép hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp với tên giao dịch quốc tế là HANOSIMEX.

Hanosimex còn "ghi tên" trên thị trường quốc tế ngay từ những năm 1990 đến nay

Ngày 30/4/1991, Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định chuyển tổ chức và hoạt động của Nhà máy Sợi Hà Nội thành Xí nghiệp Liên hợp sợi - dệt kim Hà Nội. Ngày 01/10/1993, theo quyết định của Bộ Công nghiệp nhẹ, Nhà máy Sợi Vinh (Nghệ An) sáp nhập vào HANOSIMEX. Ngày 17/2/1995: Nhà máy Dệt Hà Đông sáp nhập vào HANOSIMEX theo quyết định của Bộ Công nghiệp nhẹ.

Giai đoạn từ sau năm 1995, rất nhiều chủ trương được cơ quan quản lý triển khai đối với HANOSIMEX, giúp doanh nghiệp phát triển về quy mô và có thêm điều kiện để chứng tỏ năng lực, bản lĩnh. Ngày 19/6/1995: Xí nghiệp Liên hợp sợi dệt kim Hà Nội được đổi tên thành Công ty dệt Hà Nội. Ngày 28/2/2000: Tổng Công ty dệt may Việt Nam (Vinatex) quyết định đổi tên Công ty dệt Hà Nội thành Công ty dệt may Hà Nội. Cũng trong năm này, việc đầu tư dây chuyền kéo sợi OE tại Nhà máy sợi Vinh được triển khai; và Vinatex giao nhiệm vụ cho Công ty dệt may Hà Nội hỗ trợ công tác quản lý, sản xuất của Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan (Nghệ An).

Ngày 6/9/2005, Công ty sản xuất xuất nhập khẩu dệt may Hải Phòng – Vinatex Hải Phòng (thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam) sáp nhập vào Công ty dệt may Hà Nội. Đến năm 2006, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam quyết định Công ty dệt may Hà Nội là đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan (Nghệ An) và chuyển Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan thành công ty Con của HANOSIMEX. Đầu năm 2007, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công nghiệp quyết định chuyển Công ty dệt may Hà Nội thành Tổng công ty dệt may Hà Nội hoạt động theo mô hình công ty Mẹ - công ty Con. Cũng trong năm 2007, Công ty sản xuất xuất nhập khẩu Hải Phòng đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông để chuyển thành Công ty cổ phần thương mại Hải Phòng- HANOSIMEX, trong đó HANOSIMEX chiếm hơn 51% vốn điều lệ.

Thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ, ngày 28/12/2007, HANOSIMEX đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông để chuyển thành Tổng công ty Cổ phần dệt may Hà Nội (trong đó Nhà nước giữ 57,57 % vốn điều lệ), hoạt động theo mô hình mới từ 01/01/2008 theo Đăng ký kinh doanh số 0103022023 do Phòng đăng ký kinh doanh (Sở kế hoạch & đầu tư Hà Nội) cấp ngày 22/01/2008. Trong năm 2008, HANOSIMEX tiếp tục chuyển đổi một số đơn vị phụ thuộc để hình thành các Công ty CP thời trang HANOSIMEX, Công ty CP cơ điện HANOSIMEX, Công ty CP thương mại Vinatex - HANOSIMEX và tham gia góp vốn thành lập một số công ty khác như: Công ty CP Coffee Indochine, Công ty CP sản xuất và thương mại Hà Châu…

Ông Nguyễn Song Hải - Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Hanosimex vừa được bầu vào vị trí Tổng giám đốc


Giai đoạn định hình và trưởng thành này, với nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo và người lao động, HANOSIMEX đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành Dệt May Việt Nam, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con. Cho đến năm 2010, Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội có 16 đơn vị thành viên, với hơn 4.500 cán bộ công nhân viên; doanh thu đạt 1.930 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 39,8 triệu USD; lợi nhuận: 51,3 tỷ đồng; nộp ngân sách: 15,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân hơn 3,1 triệu đồng/người/tháng. Giá trị tài sản Nhà nước giao cho đơn vị năm 1990 là 161 tỷ đồng, đến 2010 đã phát triển đạt hơn 700 tỷ đồng. Tổng công ty là doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam VNR500, là doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt May Việt Nam, đạt giải thưởng Thương hiệu nổi tiếng quốc gia.

Ghi nhận những cống hiến của tập thể lãnh đạo và người lao động HANOSIMEX, Đảng - Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: tập thể Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, các huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng chính phủ, các Bộ, ngành TW và UBND thành phố Hà Nội. Nhiều cá nhân CBCNV của Tổng công ty được trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì, Ba; danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc; Bằng khen của Chính phủ… và đặc biệt là nữ công nhân đứng máy sợi con Trần Thị Kim Oanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tổng công ty.

Lĩnh ấn tiên phong

Tập thể HANOSIMEX đã không phụ niềm tin của các cấp lãnh đạo, và điều này một lần nữa đã được thể hiện rõ nét, khi bắt đầu từ quý I/2011, thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô theo chủ trương quy hoạch của TP Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, HANOSIMEX là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành Dệt May Thủ đô lĩnh ấn tiên phong, tiến hành đầu tư mới nhà xưởng – thiết bị, di dời điều chuyển máy móc thiết bị đến các khu sản xuất mới tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II (huyện Duy Tiên, Hà Nam); Quế Võ (Bắc Ninh); Nam Đàn, Vinh (Nghệ An); Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Công tác di dời nhà xưởng của Hanosimex gần như là phải "chạy" để trả mặt bằng cho đối tác xây dự án Khu đô thị "Times city Hà Nội" nên đã không tránh khỏi những tổn thất lớn cả về nhân lực và vật lực.

Có thể nói, đây là một nhiệm vụ nặng nề chưa có tiền lệ của ngành dệt may Việt Nam nói chung và HANOSIMEX nói riêng, đặc biệt lại diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới.

Ngoài các khó khăn chung, Tổng công ty CP dệt may Hà Nội có những khó khăn đặc thù riêng ảnh hưởng bất lợi đến SXKD như: tiến hành di dời trong khi tiến độ thực hiện các dự án nhà xưởng mới chậm do khó khăn trong việc giải ngân nên sản xuất bị gián đoạn dài, phát sinh thêm nhiều chi phí thuê kho để máy móc thiết bị, chất lượng thiết bị lưu kho cũng bị ảnh hưởng. Do việc di dời cơ sở sản xuất nên ngoài việc mất khách hàng sợi dệt thì việc đánh giá của các khách hàng may bị ảnh hưởng nên thiếu đơn hàng may và các đơn hàng may hiện nay chủ yếu là gia công với giá thấp không hiệu quả. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề do hàng nghìn lao động, đa phần có tay nghề đã nghỉ việc để hưởng chế độ hỗ trợ...

Trong bối cảnh khó khăn đầy thách thức ấy, HANOSIMEX vẫn chứng minh được năng lực của mình. Từ tháng 3 đến tháng 9/2011, đã thực hiện di dời toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị,… để bàn giao mặt bằng hơn 15 hecta khu vực số 1 Mai Động cho đối tác. Khối lượng lớn thiết bị vật tư và hàng hóa đã được tháo dỡ, bao gói và vận chuyển đến nơi tập kết an toàn. Công tác di dời được tiến hành một cách rất khoa học.

Để đảm bảo sự thành công của phương án đầu tư - di dời – phát triển thương hiệu HANOSIMEX, đầu năm 2012, Tập đoàn dệt may Việt Nam với tư cách cổ đông Nhà nước đã kịp thời đề ra phương án giải quyết đồng bộ về nhân sự, thị trường, tài chính,…

Trong gần 2 năm từ đó đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hội đồng quản trị và cơ quan điều hành Tổng công ty đã triển khai hàng loạt các giải pháp: Kiện toàn bộ máy quản lý nghiệp vụ, đại diện vốn tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Xây dựng cơ chế quản lý tài chính trong hệ thống HANOSIMEX, tăng cường sự liên kết nội bộ hệ thống HANOSIMEX thông qua nâng cao vai trò trách nhiệm của người đại diện vốn tại các đơn vị thành viên. Tái cấu trúc cơ cấu vốn của Tổng công ty, tập trung nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đưa vào hoạt động các Nhà máy sợi Đồng Văn, Nhà máy may Đồng Văn, Nhà máy may Nam Đàn. Đồng thời đầu tư chiều sâu, tiếp tục tăng chất lượng, tăng năng suất tại các Nhà máy sợi Bắc Ninh, Nhà máy sợi của Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị tài chính, thị trường, quản trị nguồn nhân lực xuyên suốt từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên nhằm củng cố, phát huy hiệu quả của từng đơn vị thành viên và tạo thành chuỗi cung ứng Sợi – Dệt – May để tiến tới tổ chức SXKD theo phương thức ODM. Chấm dứt hoạt động và giải thể những đơn vị thành viên vốn điều lệ nhỏ, hoạt động kém hiệu quả và không có hướng phát triển như: Công ty CP Cơ điện HANOSIMEX, Công ty CP Coffee Indochine, Công ty CP sản xuất & thương mại Hà Châu, Công ty CP thương mại Vinatex – HANOSIMEX, Công ty CP may Hải Phòng.

Vượt qua khó khăn, thử thách thưc hiện “dời đô” về các tỉnh, Hanosimex
đã khôi phục được hơn 80% năng lực kéo sợi.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” quả đúng không sai, những quyết tâm, công sức, nỗ lực của tập thể người lao động HANOSIMEX đã dần hình thành tại các miền quê những cơ sở sản xuất mới: Nhà máy sợi Bắc Ninh với hơn 33.000 cọc sợi, sản lượng mỗi tháng đạt 350 tấn sợi (chi số bình quân Ne30); Nhà máy may Đồng Văn với 24 chuyền may, công suất 5,1 triệu sản phẩm may dệt kim quy chuẩn mỗi năm. Nhà máy sợi Đồng Văn với 30.000 cọc sợi, mỗi tháng cung cấp 420 tấn sợi chất lượng cao (chi số bình quân Ne30); Nhà máy may Nam Đàn (giai đoạn 1) với 24 chuyền may, công suất 5,1 triệu sản phẩm may dệt kim quy chuẩn mỗi năm.

Phân nửa năng lực may cũng đã được khôi phục

Hiện tại, HANOSIMEX đã bước đầu khôi phục được phân nửa năng lực may và hơn 80% năng lực kéo sợi, với hơn 5.000 CBCNV của 7 công ty cổ phần và 4 nhà máy. Các cơ sở sản xuất của hệ thống HANOSIMEX phân bố trải rộng từ quê hương quan họ Bắc Ninh đến “Hà Tây quê lụa”, qua vùng lễ hội “Tịch điền” Duy Tiên – Hà Nam đến Nam Đàn quê Bác, từ thành Vinh - một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam vươn qua sông Lam đến Hồng Lĩnh cho trọn tình “Núi Hồng sông Lam”.

Trong thời gian tới, Tổng công ty CP dệt may Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt, chủ yếu xây dựng các cơ sở sản xuất Sợi – Dệt - May tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để hình thành Cụm công nghiệp dệt may Bắc Trung bộ theo Quy hoạch công nghiệp dệt may Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Tổng công ty CP dệt may Hà Nội với vai trò doanh nghiệp đầu tàu sẽ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong hệ thống và khu vực.

30 năm hình thành và phát triển, HANOSIMEX đang ở tuổi “xoan”, tráng kiện và khởi sắc.