Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sinh viên trên cả nước phải dừng học tập trung kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH chỉ đạo triển khai công tác đào tạo từ xa, khuyến khích sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến, đảm bảo chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra của học phần cũng như chương trình đào tạo.
Hữu ích nhưng nhiều khó khăn
Sau một thời gian ngắn trải nghiệm học trực tuyến qua môi trường điện tử, bạn Trương Thị Kim Đào, sinh viên lớp Ngôn ngữ Trung Quốc 1 khóa 14, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) cho biết, học trực tuyến là hình thức học tập hợp lý trong bối cảnh thầy và trò không thể đến trường, giúp chúng em không quên kiến thức khi nghỉ học quá lâu.
“Các thầy cô giáo chuẩn bị đầy đủ học liệu điện tử cho sinh viên. Nghỉ dịch ở nhà em có nhiều thời gian hơn cho việc chuẩn bị bài và ôn tập nên việc tiếp thu kiến thức vẫn đảm bảo chất lượng”.
Tuy nhiên, cô sinh viên lớp Ngôn ngữ Trung Quốc chia sẻ, ở nhiều địa phương, trang thiết bị điện tử, tốc độ mạng còn hạn chế khiến việc học của nhiều bạn trong lớp bị gián đoạn, ảnh hưởng. Ngoài ra, học online, tức là học gián tiếp, giáo viên và học sinh khó tương tác bài giảng.
Cùng chung suy nghĩ trên, bạn Đoàn Đức Thịnh - sinh viên năm 2 khoa Công nghệ Ô tô cho rằng, việc học trực tuyến tạo thuận lợi cho sinh viên có thể duy trì việc học lý thuyết trong thời gian phải nghỉ học tập trung tại trường. Sinh viên có thể học ngay cả khi ở quê, không phải lên thành phố. Tuy nhiên, do học ở nhà, nhiều lúc Thịnh cũng không tập trung hoàn toàn vào việc học,
“Thông thường sinh viên ngành kỹ thuật bọn em học lý thuyết đến đâu sẽ thực hành đến đó. Thế nhưng, học online chỉ học được lý thuyết và theo dõi các bài thực hành qua video của các thầy làm mẫu. Phần thực hành bọn em sẽ được học trực tiếp tại xưởng khi hết dịch và quay lại học tập trung", Thịnh nói.
Về góc độ giáo viên, cô Hà Thị Hồng Mai, giảng viên khoa Ngoại ngữ của HaUI chia sẻ, đào tạo trực tuyến giúp sinh viên có thể duy trì việc học, củng cố kiến thức cũ và tiếp thu thêm kiến thức mới, tránh tình trạng nghỉ học quá dài khiến các em quên mất kiến thức đã học.
Tuy nhiên, dạy và học trực tuyến cũng là cơ hội để giảng viên phát huy kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ cho việc dạy và học. Đây thực sự là cơ hội để cả thầy và trò trải nghiệm hình thức dạy - học mới.
“Việc chuẩn bị bài giảng điện tử đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian và công sức nhưng tất cả các thầy cô giáo đều đồng lòng, chuẩn bị học liệu cho sinh viên đầy đủ hơn, hướng dẫn nhiều hơn để đảm bảo sinh viên đạt chuẩn đầu ra của học phần”, cô Hà Thị Hồng Mai chia sẻ.
Đưa công nghệ vào giảng dạy
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong triển khai đào tạo trực tuyến. Trong lĩnh vực Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin, từ năm 2016 Trường đã triển khai mô hình đào tạo kết hợp với 50% học trực tuyến và 50% học tập trung trên lớp, đây là mô hình phát huy được hết các ưu điểm cũng như khắc phục các hạn chế của từng phương pháp đào tạo.
Đặc biệt, từ tháng 5/2018, HaUI là một trong những trường đại học đầu tiên ban hành Quy chế quản lý hoạt động đào tạo kết hợp, chính thức công nhận các hoạt động học tập của sinh viên và giảng dạy của giảng viên trên hệ thống trực tuyến có giá trị như các hoạt động trực tiếp trên lớp.
Theo kế hoạch đến hết năm học 2020 - 2021, 20% số học phần của nhà trường sẽ được triển khai theo mô hình kết hợp trực tuyến và trực tiếp (blended learning).
Do vậy, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, ngay từ 17/2/2020 khi hầu hết các trường cho sinh viên nghỉ học thì HaUI đã triển khai đào tạo trực tuyến với các học phần có tín chỉ lý thuyết, học phần đồ án, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên đại học khóa 11 cũng được điều chỉnh kế hoạch và áp dụng mô hình đào tạo kết hợp để đảm bảo tiến độ ra trường.
Bên cạnh đó, ngay trong thời gian sinh viên nghỉ học tập trung, từ ngày 25/2 -4/3, HaUI đã triển khai 3 đợt tập huấn xây dựng bài giảng điện tử, triển khai đào tạo kết hợp cho 230 giảng viên.
Do có sự chuẩn bị đồng bộ trong đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng bài giảng điện tử, tập huấn về triển khai đào tạo kết hợp, xây dựng quy chế quản lý, công nhận kết quả học tập trực tuyến, nên khi dịch Covid-19 xảy ra hoạt động đào tạo của nhà trường đã giảm thiểu được mức độ ảnh hưởng, TS. Đặng Trọng Hợp - Phó Trưởng phòng Đào tạo của HaUI thông tin.
Chia sẻ “bí quyết” giảng dạy trực tuyến của HaUi giữa ngày đại dịch Covid, TS. Đặng Trọng Hợp cho biết, để kết quả học online đạt hiệu quả cao nhất, nhà trường đang sử dụng phần mềm quản lý đào tạo trực tuyến LMS do trường phát triển. Ngoài ra, nhà trường còn đầu tư cho giáo viên các phần mềm dạy trực tuyến như: Zoom, Teams của Microsoft...
Chia sẻ rõ hơn về những phần mềm mà HaUI phát triển và ứng dụng trong dạy-học trực tuyến, TS Đặng Trọng Hợp cho biết, hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) là hệ thống phần mềm cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động đào tạo trực tuyến từ lúc nhập học đến khi sinh viên hoàn thành khóa học trực tuyến.
Đồng thời, giúp trường theo dõi và quản lý quá trình học tập của sinh viên, tạo ra môi trường dạy và học ảo, giúp giáo viên giao tiếp với sinh viên trong việc giao bài tập, trợ giúp, giải đáp; giúp sinh viên có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học trực tuyến, kết nối với giáo viên và các học viên khác để trao đổi bài.
Ngoài ra, hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System) giúp quản lý kho nội dung học tập trực tuyến, cho phép tổ chức lưu trữ và truyền tải các nội dung học tập tới người học. Hệ thống này có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống LMS và phần mềm công cụ soạn bài giảng để tạo ra các nội dung học tập.
Mặt khác, trong quá trình dạy trực tuyến, HaUI còn áp dụng hệ thống đào tạo trực tuyến phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Hệ thống này được xây dựng và phát triển bao gồm các thành phần chính như: cổng đào tạo trực tuyến; hệ thống quản lý học tập LMS; hệ thống quản lý nội dung học tập LCMS; học liệu điện tử; diễn đàn trao đổi; hệ thống kiểm tra, đánh giá người học; giảng viên; người học; quản trị hệ thống.
Việc ứng dụng các hệ thống điện tử, phần mềm vào quá trình dạy và học trực tuyến bước đầu còn khó khăn, nhưng với sự chuẩn bị từ trước đó, các giảng viên và sinh viên nhà trường đã bắt đầu thích nghi, bước đầu đạt được những kết quả học tập tích cực. Học liệu được giảng viên chuẩn bị đầy đủ, sinh viên học nghiêm túc, sự tương tác giữa người dạy và học cũng tăng lên đáng kể...
“Nếu khai thác và tận dụng tối đa các thế mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông, sự phối hợp và đồng lòng của giảng viên và sinh viên thì chúng ta vẫn có những bài giảng chất lượng để sinh viên đạt được chuẩn đầu ra của bài học” Phó Trưởng phòng Đào tạo Đặng Trọng Hợp phân tích.