Việc thực hiện các FTA đã kí kết với các đối tác thương mại và chuẩn bị thực hiện hai FTA (Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) đã kết thúc đàm phán cho thấy các nhà xuất khẩu của Việt Nam cần sự chuẩn bị nghiêm túc hơn cho sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam. Bởi bên cạnh thuận lợi về thuế và hải quan, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với hàng rào phi thuế khá nặng nề và không dễ vượt qua đối với các nước đang phát triển.
Thứ nhất, đó là các biện pháp chống bán phá giá. Giai đoạn 2001-2015, Việt Nam phải đối mặt với hơn 100 vụ kiện chống bán phá giá tại nhiều thị trường xuất khẩu. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, đã có 4 vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gồm các mặt hàng tôm, thép, sợi, ống dẫn dầu OCTG. Nếu trước đây chỉ những doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn và những ngành hàng xuất khẩu với số lượng nhiều mới bị kiện chống bán phá giá, thì nay ngay cả những doanh nghiệp nhỏ, hàng hóa số lượng ít có nguy cơ bị kiện nếu nằm trong “ba rem” chống bán phá giá của nước nhập khẩu. Trong tương lai, nguy cơ còn cao hơn do Hiệu ứng dây chuyền (một quốc gia kiện thì các quốc gia khác cũng kiện theo); thời gian áp thuế kéo dài do liên tục bị gia hạn.
Thứ hai, đó là hàng rào kỹ thuật như an toàn thực phẩm, kiểm dịch, các quy định về bảo vệ môi trường, về lao động, về nguồn gốc xuất xứ… Có một điểm đáng chú ý là trong hầu hết các FTA đều có chương quy định về TBT. Đây là các thách thức đối với xuất khẩu bởi Việt Nam đang thiếu những quy định cho nhóm hàng cụ thể nhưng lại là cơ hội và động lực cho Việt Nam nâng cao các tiêu chuẩn hàng hóa và các văn bản quy phạm minh bạch hơn.
Mặc dù các quy định này có thể tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn, ở cả cung cách vận hành và đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường và an toàn lao động, nhưng làm thế nào để hài hòa giữa việc thực hiện nghiêm túc các cam kết với việc duy trì doanh thu xuất khẩu trong giai đoạn đầu chuyển đổi thì cần đến hệ thống cảnh báo sớm.
Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 mặt hàng gồm thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, sợi, may mặc, giày dép, thép, máy móc, linh kiện điện tử, thiết bị điện, nội thất. Hệ thống cảnh báo này giúp doanh nghiệp nhận diện nguy cơ bị kiện tại những thị trường trọng điểm, hỗ trợ thông tin điều tra và rà soát. Bên cạnh đó, hệ thống này còn bổ sung dữ liệu nhập khẩu, thông tin thị trường, quy định pháp lý của thị trường xuất khẩu... Hệ thống sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dự báo trước biến động thị trường; nhận biết và phòng tránh khả năng bị kiện chống bán phá giá; chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh; tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp trong ngành. Với các cơ quan quản lý, hệ thống này hỗ trợ theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp xúc tiến thương mại và thâm nhập các thị trường thành công.
Tuy nhiên, để hệ thống cảnh báo sớm có hiệu quả thì không thể chỉ dựa vào nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng mà còn phụ thuộc vào thái độ, khả năng hấp thụ và sử dụng thông tin cảnh báo của các doanh nghiệp, doanh nhân. Theo Văn phòng TBT, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ năm 2014, 2015, mỗi năm văn phòng này chỉ nhận được chưa đến 20 câu hỏi liên quan tới TBT từ các doanh nghiệp. Điều này cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức hoặc nhận thức chưa đầy đủ của các doanh nghiệp về vai trò của các thông tin cảnh báo sớm đối với hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của họ.
Trong khi đó, phía các doanh nghiệp lại gặp khó khăn do nhiều thông tin về TBT chưa được tuyên truyền rộng rãi và còn thiếu minh bạch. Điều này có thể do phía đối tác nước ngoài cố ý sử dụng các ngôn ngữ không thông dụng để gây khó hiểu cho người đọc; nhưng cũng có thể do các thông điệp chưa được chuyển thể và phân tích cho dễ hiểu. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc cập nhật thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa của nước đối tác.
Để cộng đồng doanh nghiệp trong nước có thông tin đầy đủ về các hàng rào kỹ thuật do các nước khác, hệ thống cảnh báo sớm không thể chỉ dừng lại ở việc cung cấp các văn bản gốc hoặc văn bản dịch đơn thuần về các thông báo của nước bạn. Các chuyên gia trong ngành cần phân tích các tác động, hiệu ứng thương mại của các biện pháp mới này đến hoạt động xuất khẩu của các ngành, thậm chí đến từng nhóm doanh nghiệp có các quy mô và đặc điểm khác nhau. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cũng cần được nâng cao nhận thức và trang bị các kiến thức về TBT và về hệ thống cảnh báo sớm để có thể tận dụng các dịch vụ từ hệ thống này nhằm có được các thông tin về thị trường xuất khẩu.