Hệ thống hai tỷ giá khiến càng xuất khẩu càng lỗ

Chính hệ thống hai tỷ giá đã góp phần làm cho ngân sách nhà nước thâm hụt trầm trọng và lý giải tại sao càng xuất khẩu càng lỗ.
xuất nhập khẩu
Nhập khẩu hàng tại Cảng Hải Phòng tháng 10/1977 (Ảnh: TTXVN)

 

Giá trị xuất nhập khẩu giai đoạn 1979-1985

(Đơn vị: triệu Rúp-USD)

Năm

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Thâm hụt

Tỷ lệ nhập siêu/kim ngạch XK (%)

1979

320,5

1.526,1

1.205,6

376,1

1980

338,6

1.314,2

975,6

288,1

1981

401,2

1.382,2

981

244,5

1982

526,6

1.472,2

945,6

179,5

1983

616,5

1.526,7

910,2

147,6

1984

649,6

1.745

1.095,4

168,6

1985

698,5

1.857,4

1.158,9

165,9

 

Như vậy, trong suốt thời kỳ, Việt Nam liên tục nhập siêu trên dưới 1 tỷ Rúp-USD. Nhưng nhìn trên điểm tích cực, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, từ trên 300 triệu Rúp-USD những năm 1979, 1980, lên 400- 500 triệu những năm 1981,1982 và đạt trên 600 triệu đến gần 700 triệu Rúp-USD trong 3 năm 1983,1984, 1985. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm 1981 - 1985 tăng gấp 2 lần so với 5 năm 1976 - 1980. Đồng thời, “chênh lệch giữa xuất và nhập được thu hẹp một phần”229. Ba năm đầu tiên, 1979, 1980, 1981, tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu ở mức 2,4 đến 3,6 lần; 4 năm còn lại, 1982, 1983, 1984 và 1985 đã xuống dưới 2 lần.

Thâm hụt ngoại thương đã gây sức ép phải hạn chế các nhu cầu nhập khẩu thiết bị, vật tư nguyên liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, mà ở thời kỳ này, hầu hết các mặt hàng cung ứng cho thị trường trong nước phải thông qua nhập khẩu. Cân đối tiền - hàng và cung - cầu một số mặt hàng thiết yếu bị mất cân đối nghiêm trọng.

Trong hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh, cơ chế kết hối ngoại tệ được thực hiện theo giá kết toán nội bộ với giá trị của đồng Việt Nam cao gấp nhiều lần so với giá trị thực; sự xơ cứng trong việc định giá vật tư, nguyên liệu, hàng hóa xuất, nhập khẩu; các tổng công ty xuất nhập khẩu được phân công theo ngành hàng không gắn nhập khẩu với xuất khẩu; ngân sách hàng năm phải chi ra một khoản tiền lớn để bù lỗ cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Cụ thể, tỷ giá kết toán nội bộ 1 Rúp Liên Xô bằng 5,64 VND được hình thành từ năm 1958, được cố định hóa tới tận năm 1985, sang năm 1986 mới được điều chỉnh lại là 1 Rúp Liên Xô bằng 18 VND, năm 1987 điều chỉnh thành 1 Rúp bằng 150 VND, năm 1988 là 700 VND/Rúp. Nhưng trên thị trường tự do thì sức mua VND không cao như thế. Từ 1985 - 1988, 1 Rúp Liên Xô bằng 1.500 VND, 1 USD bằng 3.000 VND.

Trong khi đó, tỷ giá kết toán nội bộ thanh toán trong quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu: 1 Rúp bằng 150 VND, 1 USD bằng 225 VND. Do đó, cứ 1 Rúp nhập khẩu thì Nhà nước phải bù lỗ 1.350 đồng, 1 USD nhập khẩu, Nhà nước phải bù lỗ 2.775 đồng.

Ngoài việc càng xuất khẩu Nhà nước càng lỗ, các tổ chức kinh tế và cá nhân có ngoại tệ tìm cách che giấu một phần (không bán hết ngoại tệ cho ngân hàng), cũng như hạn chế chuyển ngoại tệ vào tài khoản ở ngân hàng để bán trên thị trường tự do.

Đối với nhập khẩu, Nhà nước thường đứng ra phân phối nguyên, nhiên, vật liệu, trang thiết bị, máy móc cho các xí nghiệp với giá rẻ (theo tỷ giá kết toán nội bộ), các đơn vị thu được lợi lớn về chi phí đầu tư, chi phí đầu vào trong khi ngân sách nhà nước thiệt hại vì chênh lệch tỷ giá.

Chính hệ thống hai tỷ giá này đã góp phần làm cho ngân sách nhà nước thâm hụt trầm trọng và lý giải tại sao càng xuất khẩu càng lỗ.

Đào Mạnh Đức