Năm 1996, sau 10 năm thực hiện Đổi mới, những mục tiêu của kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) đã hoàn thành, Việt Nam bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; nhiệm vụ đặt ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa cũng cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng bối cảnh trong nước và quốc tế có những đổi thay nhanh chóng đòi hỏi phải có những chính sách kịp thời nhằm thích ứng với bối cảnh mới.
Với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, sức sản xuất ngày càng nâng cao, đòi hỏi một khung khổ pháp lý cao hơn, tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa trong và ngoài nước. Trên bình diện quốc tế, các quốc gia lớn, nhỏ tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và liên kết về kinh tế, thương mại; mọi cơ hội mở ra cho tất cả các quốc gia. Nhưng ưu thế về vốn, công nghệ, thị trường,… thuộc về các nước phát triển và các công ty đa quốc gia, nên doanh nhân các nước chậm phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, luôn dễ bị tổn thương trong cuộc cạnh tranh không cân sức.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là: đa dạng hóa, đa phương hóa, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, các Bộ quản lý ngành Công Thương đã tham mưu, đề xuất, xây dựng nhiều chính sách cho hoạt động thương mại theo hướng mở rộng các hoạt động thương mại trong nước, đi đôi với mở rộng quyền kinh doanh của các chủ thể Việt Nam trong các hoạt động thương mại với nước ngoài, góp phần từng bước thực hiện tự do hóa thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lớn mạnh của tầng lớp thương nhân đủ sức tự bảo vệ mình trước những thách thức và sức ép ngày càng lớn trong dòng chảy thương mại quốc tế.
Ngày 10/5/1997, Quốc hội khóa IX đã thông qua Luật Thương mại (có hiệu lực từ ngày 01/01/1998). Đây là đạo Luật Thương mại đầu tiên, là văn bản quan trọng ghi nhận giai đoạn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước khi Luật Thương mại ban hành, các hoạt động thương mại ở nước ta được quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành. Sự thiếu vắng một văn bản có giá trị pháp lý cao đã hạn chế sự phát triển các hoạt động thương mại. Luật Thương mại là đạo luật đầu tiên thể chế các chính sách của Đảng và Nhà nước về thương mại, cụ thể là:
-Công nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế. Các chủ thể được tham gia bình đẳng trước pháp luật vào các hoạt động thương mại.
- Thể hiện xu hướng mở rộng quyền kinh doanh thương mại, thúc đẩy hoạt động thương mại trên mọi lĩnh vực mà Nhà nước không cấm.
- Làm cho pháp luật thương mại Việt Nam phù hợp với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, tạo cơ sở pháp lý để xử lý các quan hệ kinh tế, thương mại trong đàm phán song phương và đa phương với các nước, các tổ chức thương mại khu vực và thế giới.
Để từng bước đưa các quy định của Luật Thương mại vào cuộc sống, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) tiếp tục tham mưu xây dựng các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại. Trên cơ sở các nghị định, các bộ, ngành đã ban hành hàng chục thông tư và các văn bản hướng dẫn khác để thực hiện Luật. Có thể kể đến một số nghị định:
- Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với nước ngoài (Ngày 02/8/2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2001/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57). Nghị định này cùng với các văn bản hướng dẫn đã tạo ra một bước đột phá trong hoạt động xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia ngoại thương. Các phương thức mua bán phổ biến trong thương mại quốc tế như ủy thác, đại lý, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu... cũng đã được pháp quy hóa trong Luật góp phần đa dạng hóa các loại hình hoạt động xuất nhập khẩu.
- Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ quy định về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Đây là văn bản quan trọng nhằm định hướng cho các hoạt động thương mại và cụ thể hóa nguyên tắc thương nhân được kinh doanh những mặt hàng mà pháp luật không cấm.
- Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12/4/1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa. Nghị định hướng dẫn chi tiết những quy định trong Luật Thương mại, đặc biệt là phân biệt giữa kiểm tra bắt buộc và giám định theo trưng cầu của Nhà nước đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu với giám định theo yêu cầu của các bên trong hợp đồng.
- Nghị định số 32/1999/NĐ-CP ngày 5/5/1999 của Chính phủ về khuyến mại, quảng cáo thương mại và hội chợ, triển lãm thương mại. Nghị định này tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các hình thức xúc tiến thương mại phát triển, góp phần thúc đẩy các hoạt động mua bán hàng hóa trong nước cũng như giao lưu thương mại quốc tế.
- Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài; Nghị định số 45/2000/NĐ-CP ngày 06/9/2000 của Chính phủ về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài và của Doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Các văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để thương nhân Việt Nam mở rộng hoạt động thương mại ra nước ngoài và cũng là cơ sở pháp lý tạo thuận lợi thu hút các hoạt động thương mại - du lịch của thương nhân nước ngoài vào Việt Nam.
Để tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, tạo điều kiện để nền kinh tế Việt Nam tự chủ hơn khi hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, chúng ta ban hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, năm 1999, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2001, Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam năm 2002, Pháp lệnh Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002, Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004, Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004, Luật Cạnh tranh năm 2004, Quyết định số 1681/QĐ-BTM ngày 15/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường, Luật Thương mại 2005, Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, Quyết định số 1249/QĐ-BTM ngày 31/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyết định số 1681/QĐ-BTM về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, năm 2010.
Việc hình thành khung khổ pháp lý hoạt động thương mại trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng vào phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ, đồng thời giảm dần tương đối tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.