Hoá chất Đức Giang (DGC): Xúc tiến mở rộng các khai trường khai thác quặng Apatit

Với việc Tổ hợp hoá chất Đức Giang Nghi Sơn dự kiến đi vào hoạt động từ quý 2/2025 và nỗ lực xúc tiến dự án Tổ hợp bô-xít - alumin - nhôm, Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong 5 năm tới đây.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa diễn ra, ban lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE) đã dành phần lớn thời lượng họp để chia sẻ chi tiết về triển vọng kinh doanh và trả lời các câu hỏi của cổ đông, thay vì chỉ giới hạn 30 - 60 phút như nhiều doanh nghiệp khác.

Một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất là dự án Tổ hợp hoá chất Đức Giang Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hoá, ông Lưu Bách Đạt - Tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang cho biết mặc dù dự án được khởi công vào tháng 2/2025, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu vài tháng do các vướng mắc thủ tục pháp lý, nhưng dự án sẽ về đích đúng tiến độ.

Hoá chất Đức Giang
Ban lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Đức Giang trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.

Trong Giai đoạn 1, tổ hợp hoá chất này dự kiến có tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ quý 2/2026, công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn hoá chất/năm, tập trung vào sản xuất Xút với sản lượng ước đạt khoảng 50.000 tấn/năm. Qua đó, Hoá chất Đức Giang sẽ trở thành đơn vị trong nước cung ứng Xút lớn nhất hị trường trong bối cảnh nhu cầu về loại hoá chất này ngày càng tăng.

Tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang cũng tiết lộ, Tổng Công ty Hoá chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem, mã cổ phiếu PVC), công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), đã cam kết tiêu thụ khoảng 30% sản lượng Xút của dự án. Trong năm nay, tập đoàn dự kiến sẽ giải ngân 1.200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Tổ hợp hoá chất Đức Giang Nghi Sơn. Giai đoạn 2 của tổ hợp này dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2027.

Đối với mảng phốt pho vàng - mặt hàng kinh doanh chủ lực của tập đoàn, một cổ đông đã nêu đề xuất Hoá chất Đức Giang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ nhằm tận dụng các chính sách thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của nước này.

Ông Đào Hữu Duy Anh - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoá chất Đức Giang cho biết, tập đoàn đã xuất khẩu phốt pho vàng sang Mỹ trong 10 năm qua và có thời điểm, sản lượng tiêu thụ lên đến 10.000 tấn/tháng. Sau giai đoạn trầm lắng vừa qua, hoạt động sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu nói chung và tại Mỹ đang dần phục hồi, các đối tác cũng đang dần tích cực nhập hàng trở lại, nhất là khi Trung Quốc vẫn đang hạn chế xuất khẩu phốt pho vàng.

Phó chủ tịch Hoá chất Đức Giang cũng cho biết sản phẩm phốt pho vàng của tập đoàn được các đối tác Mỹ đánh giá cao về chất lượng và tập đoàn đang nỗ lực khai thác thế mạnh này. Tuy nhiên, ông Đào Hữu Duy Anh lưu ý nếu Trung Quốc xuất khẩu trở lại phốt pho vàng thì giá mặt hàng này sẽ chịu áp lực giảm giá đáng kể.

Ông Đào Hữu Huyền
Ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoá chất Đức Giang phát biểu tại Đại hội.

Xúc tiến mở rộng các khai trường khai thác quặng Apatit

Chia sẻ thêm thông tin về mảng kinh doanh này, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoá chất Đức Giang cho biết tập đoàn đang lên kế hoạch nâng cấp và mở rộng Khai trường 25 và Khai trường 19 phục vụ việc khai thác quặng Apatit tại Lào Cai.

Trong đó, Khai trường 25 đang được xin mở rộng thêm 1.000 ha và Khai trường 19, vốn sẽ hết hạn khai thác trong năm 2026, cũng đang được xin mở rộng. Lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cho biết hồ sơ mở rộng đang ở những bước cuối cùng và dự kiến hoàn thành trong nửa cuối năm nay, ước tính nguồn quặng từ hai khai trường này sẽ đủ cung cấp cho tập đoàn trong vòng 5 năm nữa.

Hoá chất Đức Giang cũng đang nhập quặng Apatit từ nước ngoài; trong đó, nguồn quặng từ Ai Cập được đánh giá có lợi thế cạnh tranh về giá nhưng chỉ phù hợp làm phân bón hơn làm phốt pho. Tập đoàn đang xúc tiến đề xuất đấu thầu các khai trường 20, 22, 23 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Muốn làm pin lithium thế hệ mới 

Tại Đại hội, một số cổ đông đã bày tỏ lo ngại về khoản đầu tư của Hoá chất Đức Giang vào Công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng (mã cổ phiếu TSB) khi công ty có mức lãi mỏng.

Ông Đào Hữu Huyền thẳng thắn cho biết Hoá chất Đức Giang vẫn đang hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Ắc quy Tia Sáng nhưng mức độ “rủi ro” của khoản đầu tư có thể coi là thấp và tập đoàn có khả năng hoàn vốn khi số vốn đầu tư vào doanh nghiệp này chỉ hơn trăm tỷ đồng (chiếm 51% vốn Ắc quy Tia Sáng).

Xem thêm: "Hoá chất Đức Giang (DGC) có thể thu nghìn tỷ mỗi năm từ dự án cồn tại Đắk Nông" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo Chủ tịch Hoá chất Đức Giang, việc đầu tư vào Ắc quy Tia Sáng là nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn sang mảng pin, tận dụng các thế mạnh sẵn có của hai bên, và Ắc quy Tia Sáng có kế hoạch làm pin lithium thế hệ mới hay cell pin. Tuy nhiên, chi phí nghiên cứu, đầu tư ban đầu là tương đối lớn, và còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ nên công ty chưa đủ nguồn lực để triển khai.

Cuối cùng, về mảng bất động sản, ông Đào Hữu Huyền khẳng định "không hào hứng" với việc làm bất động sản, chỉ muốn tập trung làm hóa chất và “sợ mất tiền” khi đầu tư ra các lĩnh vực không phải là thế mạnh.

Việc Hoá chất Đức Giang dự kiến làm dự án gồm 1.000 căn chung cư và 60 căn nhà liền kề thấp tầng tại Q.Long Biên, Hà Nội, là dựa trên quỹ đất sẵn có. Với khu đất khoảng 3 ha của Ắc quy Tia Sáng tại Q.An Dương, Hải Phòng, công ty dự kiến tiếp tục xây dự án nhà chung cư và liền kề tại đây  nhằm phục vụ chỗ ở cho cán bộ công nhân viên, Chủ tịch Hoá chất Đức Giang chia sẻ.

Với giá bán dự kiến 40 triệu đồng/m2 nhà chung cư và  100 triệu đồng/m2 nhà liền kề, dự án tại Q.Long Biên có thể đem về khoảng 5.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. Hoá chất Đức Giang cũng đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ có trong tháng 6/2025, ông Đào Hữu Huyền nói.

Duy Quang